Xã hội

Họa sĩ Lê Bá Đảng - bậc thầy của hội họa Đông Tây

Tượng đài lớn về ý chí và niềm đam mê nghệ thuật đã qua đời hôm 7/3, để lại sự thương tiếc cho giới mỹ thuật trong nước và quốc tế.

 Ngày 7/3, họa sĩ Lê Bá Đảng qua đời tại Paris (Pháp) vì tuổi cao sức yếu. Ông sẽ được hỏa táng tại Nghĩa trang Père Lachaise vào ngày mai 12/3, sau đó tro cốt được đưa về làng Bích La Đông, Triệu Phong, Quảng Trị. Họa sĩ tài danh đã ra đi, nhưng di sản tác phẩm của ông vẫn còn ở lại. Đặc biệt, ý chí, niềm đam mê nghệ thuật của ông là tấm gương lớn cho lớp hậu sinh.


Họa sĩ Lê Bá Đảng.



Sinh ngày 27/6/1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, Lê Bá Đảng đã trải qua nhiều gian nan để thành công, nổi danh khắp châu Âu và được coi trọng như họa sĩ tài năng đương thời của hội họa thế giới.

Năm 1939 khi tròn 18 tuổi, Lê Bá Đảng bị đưa sang Pháp trong đoàn lính thợ của quân đội Pháp tham gia đội quân chống phát xít. Trước đó, cậu thanh niên từng muốn tìm đường rời khỏi xứ Quảng - nơi đồng khô cỏ cháy - đi tới đâu cũng được cốt tránh khỏi nghèo nàn lạc hậu. Tuy nhiên, sau hai năm trong hàng ngũ lính tráng, Lê Bá Đảng đã trốn ra ngoài và quyết tìm cách lập thân xứ người. Không nơi nương tựa, ông vừa đi làm, vừa đi học, chỉ với một tinh thần sắt đá: "Có công mài sắt có ngày nên kim".

Con đường đến với hội họa của Lê Bá Đảng là một lựa chọn tình thế: "Tôi xin vào trường nào cũng bị từ chối, bởi không có văn bằng. Chỉ có trường mỹ thuật là nhận tôi học vẽ". Sau 6 năm học tại trường Mỹ thuật Toulouse, ông thành họa sĩ. Tốt nghiệp, ông tìm đường tới Paris bởi đây là kinh đô nghệ thuật của nhân loại. Trong một bài viết, Lê Bá Đảng nhớ lại lúc hàn vi: "Tôi quanh quẩn giữa Paris như người đầu đường xó chợ vì thiếu thốn tất cả".

Ông từng nói về mình, là một người bướng bỉnh, cứng đầu, không chịu làm nô lệ một trường phái nào, không chịu bắt chước ai, không Đông, không Tây. Có lẽ vì thế mà tranh của ông mang một phong cách riêng.

Tính kiên nhẫn, chăm chỉ, bền chí đã đưa Lê Bá Đảng tới thành công. Từ những bức tranh vẽ mèo phải nài nỉ để gửi bán, ông dần được các chủ gallery đặt hàng, triển lãm. Tranh của ông được yêu thích và bán ở khắp các phòng tranh danh tiếng trên thế giới. Có thời điểm, một họa sĩ Mỹ từng kêu rằng Lê Bá Đảng đã chiếm hết thị trường của họ (những năm 1990, tranh của Lê Bá Đảng có tại 33 phòng tranh ở Mỹ).

Ông tạo ra một khái niệm trong hội họa, gọi tên là "Không gian Lê Bá Đảng" (Le Ba Dang Espace). Ông được người Mỹ trao tặng giải thưởng "Nghệ sĩ có tài năng và tư tưởng nhân đạo" năm 1989, được người Anh bầu chọn là người nổi tiếng toàn cầu năm 1992, người Pháp tặng ông huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp vào năm 1994.



Tác phẩm thuộc loạt tranh


Tuy sống và làm việc ở Pháp, nhưng Lê Bá Đảng luôn hướng về quê hương. Ông đã cùng các họa sĩ danh tiếng như Picasso, Matta... kêu gọi văn nghệ sĩ, trí thức thế giới tham gia vào "Ngày vì tri thức Việt Nam" để ủng hộ hòa bình và chống chiến tranh ở Việt Nam.

Những năm 1970, ông vẽ tranh về  ý chí của người Việt trong gian lao, chiến trận. Triển lãm "Phong cảnh bất khuất" được ông thực hiện ở Thụy Điển, Pháp, Mỹ... Lê Bá Đảng thể hiện tình cảm trong một bài viết: "Tôi đưa vào đây tất cả tâm hồn, tài nghệ và tấm lòng kiêu hãnh, kính trọng những con người không chịu bất khuất".

Năm 1992, ông từng thực hiện một triển lãm tại nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Cuộc triển lãm độc đáo trưng bày hơn hai mươi bức tranh đồ họa trong không gian tại làng Bích La Đông. Tranh của ông được trưng bày trong không gian đình miếu làng quê, tranh trải trên thảm cỏ, treo trên thân cây, dựng quanh ao làng... Người đi xem triển lãm là văn nghệ sĩ từ Hà Nội, TP HCM, Huế, Quảng Trị và người dân các làng xã lân cận.

Tại Việt Nam, họa sĩ được nhận huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 2006, ông cùng với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại 15 Lê Lợi, Thành phố Huế. Biết tin ông mất, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ tưởng niệm Lê Bá Đảng hôm 9/3.

 

VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo