Thị trường

Hoa Tết thua lỗ: Nắm thị hiếu, trồng theo hợp đồng

Người trồng hoa quả tết thua lỗ nặng là hậu quả tất yếu của phương thức sản xuất và tiêu thụ đều mù mờ, thiếu thông tin của nông dân.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo bên ruộng hoa cúc còn tồn đọng 800 giỏ.

 

Ông Phạm Văn Bên - chủ tịch HĐQT Công ty CP hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) - khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi về vụ hoa tết thất bại của nông dân ĐBSCL.

 

Ông Bên nói: “Những năm gần đây, hoa tết không còn là của riêng Sa Đéc, Cái Mơn hay Mỹ Tho nữa mà tỉnh nào cũng trồng được. Trước đây hoa Sa Đéc, Cái Mơn chở đi TP.HCM và các tỉnh lân cận để bán. Bây giờ TP.HCM, Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ… cũng trồng.

 

Tương tự, trước đây chỉ Tiền Giang và Long An có dưa hấu với chất lượng rất ngon, bây giờ ở đâu cũng trồng dưa bán tết mà lại cùng đổ về TP.HCM để bán. Nhu cầu tiêu thụ luôn có giới hạn trong khi sản lượng hoa quả tăng không kiểm soát được nên dội chợ là điều không tránh khỏi”.

 

* Do không có thông tin về nhu cầu, thị hiếu của thị trường từ các cơ quan chức năng, phần lớn nông dân đều trồng hoa quả tết theo phán đoán của mình, thưa ông?

 

- Đúng vậy. Chính quyền không khảo sát thị trường một cách bài bản nên không có thông tin và không dám định hướng cho nông dân và các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng hoa gì, trái nào, sản lượng bao nhiêu.

 

Doanh nghiệp trên lĩnh vực hoa quả không nhiều và cũng ít có doanh nghiệp dám ký hợp đồng tiêu thụ với nông dân. Các tổ chức sản xuất chỉ có thể khuyến cáo các thành viên của mình chứ không dám bảo anh này trồng hoa gì, chị kia trồng cây gì. Và thực tế có chuyện cơ quan chức năng, hợp tác xã hay doanh nghiệp có khuyến cáo nhưng nông dân không nghe, bởi vì nếu có làm theo, nông dân không được bao tiêu sản phẩm.

 

* Để hoa quả tết những năm tới không còn bị dội chợ nữa, theo ông, các cơ quan chức năng cần phải làm gì nhằm hỗ trợ nông dân?

 

- Tôi cho rằng chính quyền không thể đứng ngoài cuộc chỉ đạo, định hướng chung chung như hiện nay. Trong khi doanh nghiệp kinh doanh hoa quả còn ít và chưa mạnh thì chính quyền phải hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân trong việc tổ chức khảo sát thị trường.

 

Chẳng hạn, gần đến vụ hoa quả tết, chính quyền lập đoàn đi khảo sát thị trường có sự tham gia của nông dân. Khi biết người tiêu dùng ở thị trường A, B, C có nhu cầu mua hoa gì, trái gì thì sẽ tổ chức sản xuất như vậy.

 

Ngoài ra, cần phải hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu hoa quả về vốn vay ưu đãi để đầu tư nghiên cứu giống mới, ký hợp đồng tiêu thụ với nông dân.

 

Hoa quả không thể giữ được lâu như lúa gạo, cho nên không thể cứ sản xuất tràn lan mà phải theo nhu cầu. Chính quyền phải hỗ trợ doanh nghiệp tối đa để tiến tới chỉ sản xuất theo hợp đồng với doanh nghiệp. Khi đó chắc chắn sẽ không còn chuyện dội chợ nữa.

 

* Được UBND tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng sẽ góp phần “định dạng” lại nghề sản xuất và tiêu thụ hoa ở thành phố hoa Sa Đéc, đến nay Công ty CP hoa Sa Đéc đã làm được gì, thưa ông?

 

- Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ khảo sát thị trường trong nước và nước ngoài một cách bài bản để có thông tin cơ bản chính xác về nhu cầu, sở thích của người tiêu dùng ở từng nơi. Với thị trường nước ngoài, trước mắt chúng tôi nhắm đến các nước Đông Nam Á.

 

Khi có thông tin về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng chúng tôi sẽ tiến hành trồng, đặt hàng cho nông dân trồng và bao tiêu đàng hoàng. Sản phẩm hoa sẽ được chúng tôi đưa đến bán ở các thị trường chọn sẵn. Năm đầu tiên công ty sẽ làm “chuột bạch”, tức là tự thí nghiệm cách làm mới, nếu thành công sẽ mở rộng diện tích, ký hợp đồng với nông dân trồng hoa gì, sản lượng bao nhiêu.

 

Mong muốn của chúng tôi là điều tiết được thị trường hoa ở Sa Đéc và một số thị trường khác bằng cách làm của mình. Và nông dân chỉ còn chuyên tâm trồng chứ không cần lo chuyện bán ở đâu, bán cho ai, giá bao nhiêu.

 

 “Tại Sa Đéc, dù đa dạng về chủng loại với hơn 2.500 giống hoa nhưng những loại hoa đẹp, chất lượng, có giá trị cao được người tiêu dùng thích lại không nhiều. Trước tết, khi khảo sát tại thị trường TP.HCM, chúng tôi thấy hoa lan được tiêu thụ sạch từ 27 tháng chạp. Như vậy, nếu hoa đẹp, chất lượng cao vẫn được người tiêu dùng chọn mua chứ không phải tất cả các loại hoa truyền thống đều lỗi thời. Vấn đề quan trọng là trồng bao nhiêu là vừa, trồng thế nào để có hoa đẹp chứ không thề trồng tràn lan như vừa qua” - ông Phạm Văn Bên cho biết.

 * Chị ĐINH NGỌC ANH (Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

 

Đừng hét giá cao và giữ đến phút cuối

 

Câu chuyện người bán hoa phải đổ bỏ trong chiều 30 tết rất đáng buồn nhưng cũng có một điều về người bán tôi thấy cần thay đổi. Phần lớn hoa đổ bỏ là hoa cúc, vạn thọ, mào gà...

 

Tôi hay đi chợ hoa 23-9 thì thấy các loại hoa này dù nhiều nhưng không đẹp mà giá lại khá cao, hoa nhỏ và kém sắc hơn, giá hét lên 90.000 đồng/chậu hôm 25 tết. Trong khi tôi mua chậu hoa cúc Đà Lạt cũng ngày đó chỉ 55.000 đồng/chậu nhưng hoa đẹp và tươi tắn.

 

Theo quy luật cung cầu, nếu cầu ít mà giá cao, người tiêu dùng sẽ đợi khi giá về mức chấp nhận được mới mua. Nếu người nông dân đừng hét giá cao quá và đồng lòng giữ giá, đoàn kết dù trước hay cận tết thì chắc sẽ không phải bán đổ bán tháo phút cuối.

 

* Chị NGUYỄN THÙY DƯƠNG (Q.Cầu Giấy, Hà Nội):

 

Người trồng hoa luôn chịu thiệt

 

Tết rồi, do bận công việc nên tôi mua hoa khá trễ, phải nói là hoa bán rẻ như rau lợn ngày xưa, tâm lý bán tháo của người trồng hoa rất rõ. Tôi không mặc cả thêm mà thấy chút chạnh lòng. Người trồng hoa bao giờ cũng chịu thiệt, họ không thể tính toán cung cầu như người kinh doanh chuyên nghiệp.

 

Ngay cả thời điểm giá hoa rẻ nhất thì người kinh doanh hoa vẫn có lời, nhưng người trồng hoa thì chưa chắc. Nếu họ được giúp đỡ tính toán, cân đối để nắm được nhu cầu thị trường thì sẽ bớt được nhiều rủi ro.

 

Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo