Quốc tế

Hóa thạch xương người lâu đời nhất khai quật ngoài châu Phi

Mẩu xương ngón tay người 3,2 cm với niên đại 85.000 làm thay đổi nhận thức của giới nghiên cứu về thời điểm con người rời khỏi châu Phi.

Mẩu xương ngón tay người hóa thạch 85.000 năm được tìm thấy trên sa mạc Arab Saudi cho thấy con người thuở đầu di cư khỏi châu Phi theo lộ trình hoàn toàn khác so với suy đoán trước đây, theo nghiên cứu công bố hôm 9/4 trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, Live Science đưa tin. Phát hiện này là hóa thạch xương người lâu đời nhất ở ngoài châu Phi và Levant, khu vực bao quanh phía đông Địa Trung Hải (bao gồm Israel) và là hài cốt người có niên đại lớn nhất ở Arab Saudi.

Trước đây, nhiều nhà khoa học cho rằng con người thuở đầu rời khỏi châu Phi khoảng 60.000 năm trước và sau đó định cư ở vùng ven biển, sống dựa vào tài nguyên biển, theo nhà nghiên cứu Michael Petraglia, chuyên gia khảo cổ ở Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck ở Jena, Đức. "Nhưng giờ đây, với mẩu xương ngón tay hóa thạch từ di chỉ Al Wusta ở Arab Saudi, có niên đại khoảng 85.000-90.000 năm, chúng tôi cho rằng người Homo sapiens rời khỏi châu Phi sớm hơn", Petraglia nói.

Mẩu xương hóa thạch 85.000 năm có độ dài 3,2 cm. Ảnh: Ian Cartwright.

Iyad Zalmout, đồng tác giả nghiên cứu, nhà cổ sinh vật học ở Viện Khảo sát Địa chất Arab Saudi, tìm thấy mẩu xương ngón tay dài 3,2 cm trên sa mạc Nefud năm 2016. Kiểm tra hình dáng chỉ ra mẩu xương thuộc về người Homo sapiens, theo trưởng nhóm nghiên cứu Huw Groucutt, nhà khảo cổ học ở Đại học Oxford, Anh. Đó là do con người có ngón tay thon và dài hơn so với người Neanderthal cũng sống cùng thời điểm. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn nhờ đồng nghiệp tiến hành chụp cắt lớp vi tính (CT) để kết luận chắc chắn.

Sau khi so sánh bản chụp CT hóa thạch mới phát hiện với vài loài khác có ngón tay giống người, bao gồm đười ươi, khỉ Thế giới cũ, Australopithecus afarensis, Australopithecus sediba và Neanderthal, nhóm nghiên cứu xác định đó là hài cốt người, nhiều khả năng là đoạn giữa của ngón giữa. "Tất cả nghiên cứu đều thống nhất ngón tay là của người Homo sapiens. Hình dáng xương ngón tay của người Homo sapiens khá đặc thù so với các loài khác", Groucutt nhận xét.

Mẩu xương ngón tay thuộc về người trưởng thành, nhưng chưa rõ là đàn ông hay phụ nữ. Ngón tay trở thành hóa thạch do khoáng hóa và được lưu giữ trong môi trường khô cằn suốt hàng nghìn năm, chắc chắn không có bất kỳ ADN nào còn lưu lại, Groucutt cho biết.

Hiện nay, Al Wusta là sa mạc, nhưng cách đây khoảng 85.000 năm, có một hồ nước ngọt thu hút nhiều động vật, bao gồm hà mã, Pelorovis (loài trâu hoang dã đã tuyệt chủng) và Kobus (loài linh dương châu Phi). Nhóm nghiên cứu tìm thấy công cụ đá do con người chế tác ở đó.

Lý do động vật châu Phi sinh sống ở Arab Saudi lúc đó có thể là mùa mưa biến khu vực thành đồng cỏ bán khô hạn đan xen với sông hồ, thu hút động vật từ vùng cận sa mạc Sahara tới Arab Saudi. "Và tất nhiên, cộng đồng người săn bắn và hái lượm sẽ đi theo những con vật này", Petraglia nói.

 

Nên đọc
Theo VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo