Hoa Ưu đàm "3.000 năm mới nở" liên tục xuất hiện tại Huế?
Tin tức tên báo Gia đình & Xã hội, sáng 2/7, thông tin từ anh Hoàng Văn Đức (trú tại đường Hàn Mặc Tử, phường Vỹ Dạ, TP. Huế) cho biết, trong lúc lau dọn nhà con gái của anh phát hiện trên song sắt cầu thang tầng hai của gia đình có một chùm hoa lạ nghi là loài hoa ưu đàm hiếm gặp 3000 năm mới nở một lần.
Theo quan sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, chùm hoa lạ gồm có 38 nhánh hoa có thân mảnh như sợi chỉ, đầu hoa có hình chuông màu trắng nhỏ li ti. Đặc biệt, những bông hoa này phát ánh sáng trong bóng tối và khi soi hoa dưới ánh sáng thì phát tán màu sắc rất đẹp.
Anh Đức còn cho biết thêm: "Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy chùm hoa lạ giống như hoa ưu đàm mà báo đài hay đưa xuất hiện trong nhà mình. Tuy không chắc đây có phải là hoa Ưu đàm như trong truyền thuyết nhà Phật hay không, nhưng điều bất ngờ này làm cho gia đình cảm thấy rất vui và thú vị. Nhất là vợ tôi, vì theo cô ấy nếu hoa ưu đàm xuất hiện trong nhà thì sẽ mang lại sự an lành và may mắn".
Trước đó, ngày 28/6, trong lúc đang làm công việc Tiếp sức mùa thi tại trường Đại học Khoa học Huế, bạn Nguyễn Công Sáng bất ngờ phát hiện và chụp lại chùm hoa lạ, nghi là loài hoa Ưu đàm mọc trên tăm chiếc xe máy mình, chùm hoa có 24 bông hoa màu trắng rất đẹp. Báo VTC News thông tin.
Dù loài hoa này xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây và đều được đồn là hoa Ưu Đàm nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định loài hoa này chính xác là hoa Ưu đàm trong truyền thuyết.
Trong một lần trả lời báo chí GS.TSKH Trịnh Tam Kiệt, phòng Công nghệ và giống gốc nấm, Viện vi sinh vật và công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, thực chất loài hoa mà người ta gọi tên là hoa Ưu đàm là sinh vật bậc thấp, chưa có cấu trúc mô. Có thể gọi tên đúng của “hoa” này là nấm nhầy bởi cơ thể là một khối nhầy.
Qua quan sát bằng kính hiển vi có độ phóng đại lên 400 lần, GS Kiệt càng khẳng định hơn giả thiết mình đưa ra. GS Kiệt miêu tả, theo mẫu hoa Ưu đàm mà ông có được thì đây là một thể nhầy trong suốt vắt ngang chiếc lá. Thân của thể nhầy này mới phát triển, chưa có hoa và cũng trong suốt như pha lê. GS Kiệt cho biết, nấm nhầy có thể nhận biết được dễ dàng vì cơ thể chúng là một khối nhầy, khi muốn sinh sản sẽ tạo ra các thể sinh sản mang bào tử.
GS Kiệt lý giải, sở dĩ người ta thường thần thánh hóa loài nấm này là vì sự xuất hiện của chúng cũng thực sự đặc biệt. Chúng thường xuất hiện trên các bức tượng phật bằng đồng, đá hoặc các thanh thép, lá cây… trong điều kiện môi trường tốt lành, điều kiện môi trường sinh thái tốt chúng sẽ xuất hiện chứ không phải là 3.000 năm mới nở một lần.
End of content
Không có tin nào tiếp theo