Hóa vàng lượng tiền khổng lồ
Nét đẹp văn hóa đầu năm đi lễ chùa ngày nay đang dần biến tướng và không còn thuần khiết, ý nghĩa như vốn có. Ở nhiều nơi, người đi lễ chùa đã không còn được “tĩnh tâm” vì bị chi phối bởi việc sử dụng tràn lan và quá nhiều vàng mã…
Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cho hay, trước kia việc đốt vàng mã mang ý nghĩa nhân văn, giờ nó đã biến thiên trở nên xấu đi bởi những người có hành vi vụ lợi.
Nếu cho rằng việc đốt vàng mã làm người sống cảm thấy trong lòng thanh thản hơn, an lạc hơn, thì chỉ là cách đánh lừa tâm thức, có chăng chỉ là an lạc tạm thời. Muốn tâm thảnh thơi, không có gì hay hơn là trong cuộc sống hàng ngày chúng ta thực hiện lời Phật dạy.
Còn Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, đốt vàng mã một cách quá hoang phí là việc làm có tội.
Ghi nhận tại chùa Quán Sứ, nơi được coi là Quốc tự của Việt Nam dịp đầu năm Nhâm thìn, hiện tượng đốt vàng mã diễn ra thường xuyên không chỉ trong những ngày lễ.
Ở Phủ Tây Hồ hay chùa Hương cảnh đốt vàng mã diễn ra thường xuyên. Nhiều lò hóa hoạt động dường như không nghỉ vậy mà vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu của người hành lễ.
Trên tay một mâm tiền vàng chuần bị dâng lễ tại chùa Quán Thánh, chị Trần Thị Tuyết (phố Hai Bà Trưng, Hà Nội) hồ hởi: Năm nay mình sắm đủ bộ cành quả lộc, cành cau, lúa mì, đình vàng… chi phí lên tới cả triệu đồng. Theo chị quan niệm, càng đốt nhiều thì thần thánh mới phù hộ và ban nhiều lộc phước làm ăn…
Chắc hẳn không riêng chị Tuyết, mà quan điểm này đang phổ biến bởi nhiều người làm theo trào lưu chung, còn việc đi lễ, đặt lễ như thế nào thì chính họ còn chưa hiểu thấu đáo.
Tục lệ đốt vàng mã có từ lâu đời, đã bén rễ và ăn sâu vào tâm thức của người dân. Ngày nay, tục lệ này đã và đang phát triển mạnh, không còn ở trong phạm vi cúng giỗ gia đình mà còn chú trọng ở các các đền chùa.
Được biết, mỗi năm, người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã, tiêu tốn khoản tiền khổng lồ. Chỉ tính riêng ở Hà Nội số tiền tiêu tốn cho tục lệ trên lên tới trên 400 tỷ đồng/năm.
Thượng toạ Thích Thanh Nhã, Trụ trì chùa Trấn Quốc (Hà Nội) thì khuyên nhủ, chúng ta không nên lãng phí, hãy hạn chế tiền mua vàng mã để làm việc thiện cho đời . Còn một số chuyên gia Phật học cho biết, giáo lý nhà Phật không có quy định đốt vàng mã và đây là hành động mê tín quá hoang phí.
Theo Nghị định 75/2010/NĐ-CP năm 2010 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa”, trong đó có quy định mức phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi “Đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác”. Tuy nhiên, việc xử phạt này ở các địa phương, chùa đền thời gian qua vẫn chưa được chú trọng và quyết liệt.
Theo Chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo