Chân dung

Hoài bão 8x

(DNHN) - Trong phim Gia đình đá quý trên kênh VTV3, có nhân vật doanh nhân thành đạt nhưng nghiêm khắc đã buộc người con trai lớn của mình sau khi đi học ở nước ngoài về phải ra đời kiếm sống với số vốn còm

Không phải là phim hay truyện nhưng Đỗ Viết Tâm cũng từng bị “quẳng” ra thương trường như thế. Hỏi anh sợ không, Tâm cười: “Tôi tự tin với kế hoạch của mình và sẵn sàng chinh phục những thách thức trên thương trường”.

Luôn bận rộn nhưng vẫn giữ được phong thái trẻ trung, lịch lãm của một doanh nhân hiện đại. Có lẽ, đó là bí quyết giúp doanh nhân Đỗ Viết Tâm tạo được niềm tin và dấu ấn tốt đẹp với đối tác ngay từ lần đầu tiên.

 


Tiền đề của sự nghiệp

Đỗ Viết Tâm đã gây dựng thành công một sự nghiệp to lớn như ngày nay mà lúc nào cũng giữ nếp sống giản dị và bao dung. “Tôi đã trải qua những lúc cơ cực, vì vậy rất thông cảm với người khác còn chưa được như mình. Tôi có niềm tự hào với những gì mình đã làm được, dẫu cuộc đời còn nhiều điều để học lắm. Điều lớn nhất học hoài không hết là làm sao để sống đắc nhân tâm” - anh tâm sự.

 

Sinh ra tại huyện Mê Linh, Hà Nội, nơi chôn nhau cắt rốn của Đỗ Viết Tâm là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, từng là kinh đô của nước Nam dưới thời Hai Bà Trưng.

 

Sinh năm 1983, anh là con út trong một gia đình có bốn người con. Cha mẹ anh đã phải bươn chải vất vả để mưu sinh trong giai đoạn chiến tranh, vừa nuôi dưỡng vừa giáo dục đàn con không chỉ về thể xác mà còn gây dựng cho các con truyền thống gia đình đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Có những lúc quá khó khăn, anh em bôn ba xuôi ngược kiếm sống, nhưng tình ruột thịt đã giữ mọi người gần trong tâm tưởng để luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau bất cứ điều gì, dù nhỏ nhặt nhất.

 

Bước vào tuổi trưởng thành, Tâm thi đỗ Đại học Công đoàn. Sống trong môi trường học tập chuyên nghiệp suốt bốn năm đã giúp hình thành nơi anh một nhân cách tốt và cách sống chừng mực nhưng thắm đượm tình người.

 

Rời ghế nhà trường, bước ra khỏi “vùng an toàn” về tài chính, anh đã phải tự bươn chải bằng nhiều công việc nặng nhọc để vật lộn với cuộc sống đầy khó khăn trong những ngày nền kinh tế đất nước bước vào giai đoạn hội nhập.

 

Anh nói: “Có những lúc tôi muốn buông xuôi trước những cám dỗ, muốn chọn con đường ngắn nhất để có tiền. Bản chất của con người là ngại thay đổi, ngại thử thách. Khi ấy tôi cũng lo, cũng ngại, nhưng rồi lại tự động viên mình: thoát khỏi “vùng an toàn” là bước ra khỏi vỏ ốc của bản thân, sẽ có được chân trời mới”.

 

“Cái khó ló cái khôn”. Anh đã phát huy rất nhanh sự bén nhạy trong tư duy kinh doanh nhỏ lẻ. Rồi anh lại muốn thử, muốn trải nghiệm ở một lĩnh vực mới. Năm 2005, anh “bắt tay” vào kinh doanh bất động sản với nhiều áp lực mới.

 

Ngày nhỏ, anh rất nghịch ngợm, luôn giữ vai trò thủ lĩnh trong các trò chơi, khi lớn lên, anh đã tự trang bị cho mình kiến thức, tri thức và lòng quyết tâm để đạt được lý tưởng của mình.

 

Anh say sưa học hỏi mọi thứ trong lĩnh vực bất động sản: Làm thế nào để giữ được chữ tín trong kinh doanh? Làm sao để cạnh tranh với các đối thủ khác trong hoàn cảnh khó khăn? Làm thế nào để tạo dựng uy tín?...

 

Những câu hỏi ấy luôn đeo đuổi anh hằng ngày, ngay cả trong giấc ngủ. Thời điểm anh bước chân vào lĩnh vực bất động sản thì thị trường đã hình thành rõ nét. Để đến khi trong mọi biến động của thị trường, anh đều tỉnh táo, quyết đoán để đưa ra những kế hoạch phù hợp cho từng thời kì và quan trọng nhất là biết tận dụng thời cơ và có chiến lược kinh doanh hợp lí.

 

Năm 2008 là năm lĩnh vực bất động sản không mấy sáng sủa, thị trường đóng băng gần như hoàn toàn, nhưng công ty anh vẫn có lãi và hoạt động ổn định. Theo anh, kinh doanh BĐS muốn thành công thì phải dự báo được thị trường và phải biết cách làm. Làm đúng bài bản, trách nhiệm chứ không chụp giật lừa lọc bởi kinh doanh mà lừa lọc, chụp giật thì không bền và trước sau gì cũng thất bại.

 

Chiến lược kinh doanh đã được anh đề ra là vừa tầm, đúng trọng tâm, đầu tư đúng ngành. Chọn lựa phân khúc thị trường với giá bán phù hợp. Anh rút ra bài học kinh doanh hài hòa theo cả hai hướng “Bán cái mọi người cần” và “Bán cái mình đang có”. Với những cái đang có, anh phải nghiên cứu, trau chuốt cho nó phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Còn đối với cái mọi người cần, thì đó là định hướng để anh đáp ứng nhu cầu, để từ đó có thể phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng.

 

Đỗ Viết Tâm luôn tự hào với những công việc đang làm. Anh tìm thấy niềm vui, niềm đam mê trong công việc, sự đóng góp cho những người xung quanh và xã hội, và quan trọng nữa là khẳng định được bản thân.



Sống là cho….

“Có khổ mới biết thương người khổ, nhất là những người khổ hơn mình” - anh tâm niệm điều này khi tham gia vào nhiều hoạt động từ thiện. Anh vui với niềm vui của các em học sinh nghèo nơi quê hương mình được tiếp tục cắp sách đến trường, thay vì phải nghỉ học lo kiếm sống.

 

Anh xúc động đến nghẹn ngào khi phát biểu trong buổi lễ trao tặng tiền từ thiện cho những gia đình thương bình liệt sĩ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng tại địa phương,... Anh xem việc chia sẻ với người bất hạnh là niềm hạnh phúc. Làm từ thiện đối với anh đã trở nên tự nhiên như hơi thở.

 

Giá trị cuộc sống sẽ được nhân lên gấp bội khi mình biết chia sẻ những gì mình làm ra cho cộng đồng, xã hội. Và trong rất nhiều hoạt động xã hội của mình thì chương trình học bổng giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học được Đỗ Viết Tâm đặc biệt quan tâm. Anh nghĩ, trong số những học sinh khó khăn không được đến trường biết đâu sẽ có những em giỏi bẩm sinh, có năng lực và là nhân tài cho đất nước mai sau. Nếu không được quan tâm, những tài năng này bị mai một sẽ là sự lãng phí rất lớn cho xã hội.

 

Song, điều này, cũng còn xuất phát từ những hình ảnh mà anh nhìn thấy trong những lần đi công tác đã làm tăng thêm tình cảm của anh đối với các em.

 

Như một chuyến đi đến một xã nghèo của vùng sâu, thấy các em nhỏ đầu trần, gầy gò, đen thui đang ngồi giữa trưa nắng ở sân trường vì trường cũ quá bị sập mái, anh không cầm lòng nổi và đã tặng ngay một khoản kinh phí để xây lại trường, nhà vệ sinh, nhà bếp, bể nước cho các em có điều kiện học tập tốt hơn.

 

Cuối năm nay, dự án xây trường mầm non tư thục tại Mê Linh cũng bắt đầu đi vào hoạt động. Anh khiêm tốn khi tâm sự: “Đóng góp cho quê hương mình bằng một công trình nhỏ nhoi, mặc dù một phần cũng vì lợi nhuận, nhưng giá trị tinh thần vẫn làm tôi rất phấn khích.”

 

Trong cái mỉm cười, anh đã có lý: Thành quả mà anh đạt được như hôm nay thì nhiều người cũng có cơ sở hiện thực. Một lần nữa anh đang hạnh phúc với câu hát “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…”

 

 


PV

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo