Chân dung

Hoài bão cơm kẹp quốc tế của ông chủ 8X

Sau 10 tháng thành lập, VietMac đã được định giá 2,25 triệu USD - con số cao gấp 10 lần giá trị đầu tư ban đầu.

 Thương hiệu VietMac được định giá 2,25 triệu USD sau 10 tháng thành lập đang là động lực để doanh nghiệp này quyết thực hiện ước mơ mang thương hiệu "cơm kẹp" ra thị trường thế giới.

 

 
Sáng 1/2, cửa hàng cơm kẹp đầu tiên của hãng đồ ăn nhanh mang thương hiệu Việt - VietMac khai trương ở TP HCM. Kế hoạch Nam tiến này được hãng triển khai sau gần một năm phát triển năm cửa hàng tại thị trường Hà Nội.
 
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang co cụm, thu hẹp quy mô, cắt giảm đầu tư, việc mở rộng hoạt động tại thị trường phía Nam được lãnh đạo VietMac nhìn nhận là bước đi mạo hiểm nhưng nếu thành công thì hiệu quả thu về sẽ lớn.

Giám đốc điều hành VietMac - Nguyễn Thành Dương - chia sẻ: "Sau Nam tiến sẽ là kế hoạch địa phương hóa - đưa cơm kẹp đến nhiều vùng miền của tổ quốc rồi tiến tới mục tiêu đưa thương hiệu ra nước ngoài".

Cái tên "Cơm kẹp" được biết đến từ 10 tháng trước, khi cửa hàng đầu tiên mang tên VietMac khai trương tại Hà Nội. Nhưng VietMac thực sự trở thành tâm điểm chú ý cách đây gần 2 tháng khi lần đầu tiên thương hiệu non trẻ này được định giá 2,5 triệu đôla Mỹ - con số cao gấp 10 lần giá trị đầu tư ban đầu.

Nguyễn Thành Dương cho rằng sự thành công của 5 cửa hàng tại Hà Nội với số lượng suất ăn bán ra trong ngày cao điểm lên tới con số 1.000 là lý do khiến VietMac quyết định Nam tiến. "Khi chúng tôi đưa sản phẩm vào Nam, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ xu hướng tiêu dùng của khách hàng với gần 70% số người hài lòng" - anh Dương cho biết.
 
Hiện tại, khách hàng chủ yếu của VietMac là dân công sở, văn phòng, giới học sinh, sinh viên với doanh thu mang về mỗi tháng tăng trung bình 20%. Có đợt cao điểm, con số này đạt mức ấn tượng khoảng 40%. Giá bán sản phẩm cũng linh hoạt tùy theo kích cỡ và đồ uống kèm, trong đó mức thấp nhất là 25.000 đồng và cao nhất trên 100.000 đồng.

"Chưa khi nào chúng tôi hài lòng với kết quả đã đạt được mà luôn tâm niệm rằng ngay cả khi thành công nhất doanh nghiệp đã phải chuẩn bị chiến lược, phương án để đối phó với bất cứ tình huống nào có thể xảy ra" - anh nói.

Anh Dương cho hay hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn nhỏ đều đối mặt với bài toán khá nan giải là: Vốn. Lãi suất ngân hàng cùng với bối cảnh kinh tế "nhìn đâu cũng thấy khó khăn" là lý do khiến nhiều công ty thu hẹp quy mô sản xuất, tập trung vào lĩnh vực chính thay vì mở rộng.

"Trong thời điểm khó khăn, chúng tôi không cạnh tranh bằng giá rẻ mà cạnh tranh bằng thương hiệu, bằng sự khác biệt. Chúng tôi đã quyết định làm mặt hàng cơ bản là đồ ăn, bởi kinh tế có giảm thì vẫn phải ăn, phải uống. Hơn nữa mặt hàng này quay vòng vốn rất nhanh, không có tồn kho" - anh Dương nói.

Khi được hỏi lý do chọn "cơm kẹp" là sản phẩm khởi nghiệp của mình, Giám đốc Nguyễn Thành Dương chỉ cười rằng: Đây giống như cái duyên không chờ đợi mà tới. Anh nhớ lại tháng 6/2010, tình cờ một người bạn - nay là Chủ tịch HĐQT công ty có chuyến công tác nước ngoài, và được hãng vận chuyển China Airlines phục vụ suất ăn đơn giản mà ấn tượng: Cơm nắm kẹp thịt. "Món ăn gợi cho bạn tôi hình ảnh rất đỗi quen thuộc của quê hương - nắm cơm muối vừng. Ý thức xưa bỗng dội về và bạn tôi nghĩ ngay ra ý tưởng kinh doanh. Chúng tôi bàn bạc với nhau và quyết định đưa ra sản phẩm cơm kẹp để bán ra thị trường" - anh Dương kể.

Từ những ý tưởng được phác thảo trong đầu, Dương và 2 thành viên sáng lập VietMac đã phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ như lựa chọn gạo, xử lý bánh cơm, rồi tìm ra yếu tố cốt lõi của sản phẩm và xây dựng, quản lý các quy trình trong chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh. Anh tìm hiểu và ghi nhận từng việc một từ phát triển chuỗi, đến mô hình quản lý, cách thức lựa chọn bao bì quy trình phục vụ của nhân viên ngay tại quầy hàng. Và ngày 26/10/2010 - Công ty Cơm kẹp có tên VietMac ra đời.

VietMac là kết quả của sự giao thoa giữa “cơm nắm muối vừng” Việt Nam và đồ ăn nhanh - fastfood của phương Tây. Người Mỹ - nơi khai sinh ra fastfood quan tâm đầu tiên đến thành phần dinh dưỡng, nhưng đối với khẩu vị Việt luôn mang dấu ấn cá nhân. Sự khó khăn này không dễ khắc phục. "Đây chính là một thách thức mà VietMac phải trải qua" - anh Dương nói.

Mỗi suất VietMac có ít nhất 4 loại rau tươi, kèm theo nước xốt đặc biệt của VietMac, được chế biến từ những rau quả, gia vị thuần Việt như: hành, tiêu xanh, húng quế, cam, me hay ớt tươi. Với 8 loại nước xốt khác nhau, hiện nay khách hàng VietMac có đến 27 lựa chọn cho các loại sản phẩm: cơm kẹp gà nướng mật ong, xốt bò tiêu xanh, hải sản xốt cay, heo sốt quế...

Để sản phẩm hợp khẩu vị với nhiều người, giai đoạn đầu, anh Dương phải nhờ đến sự hỗ trợ của anh em, bạn bè và đồng nghiệp, thậm chí là những chuyên gia am hiểu lĩnh vực ẩm thực để nếm thử. Người chê cũng có, lời khen cũng không ít. Từ sự trải nghiệm của mỗi người anh tổng hợp lại để đưa ra sản phẩm cuối cùng mang hương vị đặc trưng nhất, và phù hợp với thị hiếu của nhiều người. "Tôi vỡ òa trong vui sướng khi những chiếc bánh đầu tiên ra lò, mọi người dùng thử ai cũng đều khen ngon” - anh Dương kể.

Cửa hàng cơm kẹp tại TP HCM.

Sau 10 tháng thành lập, VietMac đã được một số quỹ đầu tư định giá 2,25 triệu USD - con số cao gấp 10 lần giá trị đầu tư ban đầu. Có nhiều người ngỏ ý muốn mua cổ phần VietMac. Một doanh nhân có tiếng ở Việt Nam, đã cùng hai người con là sinh viên du học ở Mỹ về bay ra Hà Nội để ăn thử, sau đó tìm gặp lãnh đạo VietMac để đặt vấn đề mua lại cổ phần. Mới đây, VietMac đã hoàn tất vụ chuyển nhượng cổ phần đầu tiên cho công ty này.

Tuy vậy, vị giám đốc sinh năm 1984 Nguyễn Thành Dương vẫn khiêm tốn cho rằng, sự phát triển nóng luôn là cái bẫy mà mọi doanh nghiệp cần phải đề phòng. "Thực tế, khoảng 3 tháng đầu tiên chúng tôi đã phải đối mặt với sự khủng hoảng khi chất lượng sản phẩm không như ý, trong khi hệ thống phát triển quá nhanh. Chúng tôi đã nhận ra điều này để thay đổi mình" - anh chia sẻ.
 
Theo VnExpress

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo