Pháp luật

Hoãn hai vụ án lớn,phập phồng chờ xử vụ Dương Chí Dũng

Mấy ngày qua, dư luận như nóng lên với phiên tòa xét xử vụ Cát Tường và bầu Kiên. Tuy nhiên cả hai vụ án lớn này đều được hoãn lại...

 Vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường là một trong những vụ án thu hút sự quan tâm dư luận nhiều nhất trong ngành tư pháp Việt Nam. Bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật thay vì hết sức chạy chữa đã tìm cách phi tang xác chết nhằm che dấu tội lỗi.

Đúng 8h sáng ngày 14/4, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường (41 tuổi, Giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường) và bị cáo Đào Quang Khánh (18 tuổi, bảo vệ thẩm mỹ viện Cát Tường, ngụ ở phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) được dẫn vào phòng xét xử.
 
10 h47', sau quá trình thẩm vấn bị cáo và nhân chứng, HĐXX quyết định dừng phiên tòa, trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra vì nhận thấy có nhiều yếu tố chuyên môn cần xem xét lại.
 
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh tại tòa
 
Rất nhiều người đã đứng dậy vỗ tay hưởng ứng quyết định của toà. Gia đình nạn nhân cũng hoàn toàn đồng ý với quyết định này, bởi họ cho rằng vụ án này còn quá nhiều điểm chưa rõ ràng, lời khai cũng còn quá nhiều mâu thuẫn, nên việc dừng xét xử và yêu cầu điều tra lại là một việc làm hợp lý và cần thiết.
 
Tại phiên tòa xét xử, tòa đề nghị Bùi Thị Hoa (nhân viên TMV Cát Tường) kể lại sự việc. Bùi Thị Hoa ấp úng, không trả lời được.
 
Y tá Thư (nhân viên TMV Cát Tường) cho biết, những ca phẫu thuật trước thường được thực hiện trong 4 tiếng nhưng riêng ca phẫu thuật của chị Huyền được BS Tường thực hiện trong 2 tiếng, từ 12h đến 2h thì xong.
 
Có một số vấn đề chuyên môn ngành y mà Tòa không thể giải quyết được, mà phải có kết luận của các cơ quan giám định có chuyên môn. Mặt khác, Tòa nhận thấy có một số tình tiết trong hồ sơ vụ án chưa được làm rõ, nên quyết định trả hồ sơ về cho cơ quan công an điều tra lại từ đầu. Phiên tòa kết thúc.
 
Ngoài vụ án Bác sĩ Tường phi tang xác, dư luận cũng rất quan tâm đến phiên tòa xét xử bầu Kiên nhưng mới đây phiên tòa cũng bị hoãn lại.
 
Hoãn phiên tòa xét xử "bầu" Kiên
 
14h chiều, 16/4, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm vẫn tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, ngay sau khi phiên tòa bắt đầu, Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội, Chủ tọa phiên tòa đọc đơn xin hoãn phiên tòa của bị cáo Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB. Vì lý do sức khỏe nên ông Trần Xuân Giá vắng mặt tại tòa.
 
Trong đơn gửi đến Tòa án, bị cáo Trần Xuân Giá cho biết, hiện sức khỏe rất yếu nên ông đang tiến hành điều trị tại Bệnh viện Việt - Xô. Lý do ông Giá xin hoãn phiên tòa vì sức khỏe yếu, lại bị bệnh cao huyết áp, tăng giảm thất thường nên không thể có mặt để tham dự phiên tòa.
 
Sáng 16/4, Nguyễn Đức Kiên vẫn đề nghị tòa xử tiếp dù Trần Xuân Giá vắng mặt
 
Sau khi công bố đơn xin hoãn phiên tòa của bị cáo Trần Xuân Giá, vị Chủ tọa đã hỏi ý kiến vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố về việc có tiếp tục phiên xử hay không. Sau đó, HĐXX xin tạm nghỉ 5 phút để hội ý. Đến 14h20 phút, Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội, Chủ tọa phiên tòa đã công bố quyết định hoãn phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng Phạm.
 
Sắp xét xử phúc thẩm vụ Dương Chí Dũng
 
Ngoài 2 vụ án lớn trên, sắp tới ngày 22/4 TAND Tối cao sẽ mở phiên phúc thẩm xem xét việc chống án xin giảm hình phạt và kêu oan của cựu chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng.
 
Sáng ngày 6/4, một lãnh đạo TAND Tối cao cho biết, giấy báo của tòa về thời gian xét xử đã được gửi tới các luật sư. Bảo vệ Dương Chí Dũng tại phiên phúc thẩm là 3 luật sư tham gia từ phiên sơ thẩm.
 
Ngày 16/12/2013, TAND Hà Nội tuyên phạt cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng 18 năm tù về tội Cố ý làm trái và án tử hình do Tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình.
 
HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng
 
Tại phiên xử, ông Dũng thừa nhận đã thiếu sát sao để xảy ra thất thoát hơn 366 tỷ đồng của nhà nước trong thương vụ mua ụ nổi 83M theo cáo buộc của VKS. Riêng cáo buộc tham ô tài sản 10 tỷ đồng, ông Dũng nói: "Đến chết cũng không nhận". Ông này sau đó kháng cáo toàn bộ bản án.
 
Ông Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) cũng kháng cáo tương tự ông Dũng khi đề nghị xét xử lại việc TAND Hà Nội tuyên tử hình ông về tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế. Ông Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines) thì cho rằng hình phạt 9 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế là quá nặng, án 10 năm do Tham ô tài sản là "oan ức".
Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo