Hoãn khởi công điện hạt nhân: Nên mừng hay nên lo?
Việc lùi thời gian thi công nhà máy điện hạt nhân là chuyện đáng mừng nhưng cũng đáng lo.
Tại buổi lễ tổng kết công tác năm 2013 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày 15/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết thời gian khởi công điện hạt nhân Ninh Thuận có thể sẽ lùi lại tới năm 2020, tờ Tuổi trẻ đưa tin.
Trước đó, theo thông tin từ Bộ Công thương, việc khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có thể sẽ được tiến hành vào cuối năm 2017, đầu năm 2018, chậm 3 năm so với kế hoạch.
Mặc dù chưa có quyết định chính thức, song với phát biểu của Thủ tướng, việc lùi thời gian khởi công nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam gần như đã chắc chắn.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc hoãn khởi công nhà máy điện hạt nhân là quyết định hợp lý và là “tín hiệu đáng mừng”.
Ở thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa có đủ điều kiện cần thiết để triển khai điện hạt nhân, từ nguồn nhân lực, tài chính, các văn bản pháp quy cho tới vấn đề đảm bảo an toàn.
Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian 6 năm sắp tới sẽ là cơ hội để chúng ta gấp rút chuẩn bị những gì còn thiếu để đảm bảo làm điện hạt nhân “an toàn nhất, hiệu quả nhất”.
Tuy nhiên, việc trì hoãn một dự án quan trọng như dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận tới 6 năm cũng gợi ra nhiều điều để suy nghĩ.
Theo nghị quyết do Quốc hội ban hành, năm 2014 là thời điểm khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Tuy vậy, cho tới thời điểm hiện tại, việc nghiên cứu lựa chọn địa điểm cũng như hồ sơ dự án đầu tư vẫn chưa hoàn thành.
"Trục trặc” này là do đâu thì chưa rõ, chỉ biết, những người dân sống trong vùng đã được quy hoạch để xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ phải phấp phỏng chờ đợi thêm 6 năm nữa để được di dời với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Nhiều hộ dân sống tại các vùng vốn được “quy hoạch” để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đang phải sống trong những căn nhà hư hại và xập xệ mà không dám sửa chữa vì sợ “trúng quy hoạch” của nhà nước nay lại tiếp tục phải sống tạm bợ thêm ít nhất là 6 năm nữa mới được di dời.
Không chỉ vậy, nhiều người dân do không biết chính xác thời điểm di dời nên không dám đầu tư vào sản xuất, chỉ sản xuất cầm chừng, khiến đời sống gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Thành Du, trưởng thôn Vĩnh Trường, một trong 2 thôn được đưa vào diện phải “giải tỏa trắng” phục vụ cho dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận cho hay (Tuổi trẻ, 18/1)
Không chỉ có khó khăn từ phía người dân trong vùng quy hoạch, nguồn nhân lực vốn được đào tạo để chuẩn bị cho việc tiếp nhận và vận hành nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020 theo kế hoạch trước đây thì nay phải đợi ít nhất là 5 cho đến 10 năm nữa mới có việc làm.
Việc bù đắp nguồn điện năng thiếu hụt do việc trì hoãn này gây ra cũng đặt ra nhiều vấn đề khi nguồn điện được quy hoạch để bù đắp chủ yếu là các nhà máy nhiệt điện, mô hình nhà máy điện đang đặt ra nhiều vấn đề quan ngại về môi trường.
Bên cạnh đó, việc trì hoãn một dự án quan trọng và có vốn đầu tư lớn như điện hạt nhân Ninh Thuận hoàn toàn có thể làm tăng chí phí đầu tư cũng như tính hiệu quả của dự án đã được quy hoạch.
Như vậy, ở thời điểm hiện tại, việc lùi thời gian khởi công điện hạt nhân là cần thiết. Song rõ ràng là 6 năm tới không phải là khoảng thời gian quá dài cho sự đủng đỉnh cùng những trục trặc không đáng có như thời gian vừa qua.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo