Hoàn thuế thu nhập cá nhân: Cần 24 chữ ký
Để được hoàn thuế thu nhập cá nhân (TNCN), một hồ sơ cần phải có đủ 24 chữ ký sống của các cán bộ, lãnh đạo ngành thuế.
Điều đáng nói, nhiều hồ sơ có số thuế hoàn chỉ vài chục ngàn đồng nhưng người dân vẫn phải chờ đợi đủ thời gian hoàn thành các bước trên.
Theo Cục Thuế TP.HCM, mới đầu tháng 7 nhưng số lượng hồ sơ hoàn thuế TNCN tại Cục Thuế TP đã tăng đột biến, chỉ tính riêng phòng thuế TNCN đến nay đã tiếp nhận 4.400 hồ sơ hoàn thuế, trong khi cả năm 2013 con số này chỉ là 3.800 hồ sơ.
Hồ sơ tăng vì quy trình dài
Hiện mỗi tháng phòng thuế TNCN của cơ quan này nhận thêm 200-300 hồ sơ hoàn thuế và ước đến hết năm 2014, số hồ sơ hoàn thuế của riêng phòng thuế TNCN khoảng 6.000. Tuy nhiên đây là con số thống kê chưa đầy đủ vì còn nhiều bộ phận khác tại Cục Thuế TP cũng giải quyết hồ sơ hoàn thuế TNCN.
“Nhiều ý kiến cho rằng khi nâng mức khởi điểm khấu trừ lên 2 triệu đồng thì số hồ sơ hoàn thuế sẽ giảm nhưng thực tế không như vậy vì mức khởi điểm khấu trừ chỉ tăng gấp đôi trong khi mức giảm trừ gia cảnh cho người lao động tăng đến 2,25 lần, từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng, chưa kể mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng tăng từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng. Thực tế đã chứng minh số hồ sơ hoàn thuế TNCN năm 2013 không những không giảm mà còn tăng đột biến” - một lãnh đạo Cục Thuế TP cho biết.
Tình trạng quá tải này không chỉ ở Cục Thuế TP.HCM mà còn ở nhiều chi cục khác. Đại diện Chi cục Thuế Bình Thạnh cho biết chưa có thống kê nhưng chắc chắn số hồ sơ hoàn thuế TNCN năm nay cao hơn nhiều so với năm trước. Trong số này nhiều hồ sơ số thuế hoàn chỉ 50.000 đồng, rơi vào trường hợp người lao động về hưu, làm thời vụ, không được ký hợp đồng lao động, lương chỉ vài triệu vẫn bị khấu trừ 10%.
Tại Cục Thuế TP.HCM, phần lớn hồ sơ có số thuế hoàn chỉ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng, cá biệt có hồ sơ số thuế hoàn chỉ 83.000 đồng. Những hồ sơ có số thuế hoàn lên đến vài chục triệu đồng rất hiếm. Thế nhưng theo quy trình, số thuế hoàn dù ít dù nhiều cũng phải trải qua quy trình giải quyết hồ sơ như nhau. Trong bộ hồ sơ hoàn thuế bao gồm bốn quyết định, năm lệnh hoàn, một phiếu nhận xét hồ sơ và một phiếu đề nghị hoàn, lãnh đạo phòng/đội thuế TNCN phải ký 11 chữ ký, lãnh đạo cục thuế/chi cục ký 11 chữ ký và cán bộ trực tiếp xử lý hồ sơ ký hai chữ ký, tổng cộng 24 chữ ký.
Tính kỹ với người thu nhập thấp
Đem cả hồ sơ về nhà để ký Để giải quyết 4.400 hồ sơ hoàn thuế đã nhận tại phòng thuế TNCN, tính ra số chữ ký mà riêng lãnh đạo Cục Thuế TP phải ký lên đến 48.400 chữ ký, lãnh đạo phòng thuế TNCN cũng phải ký số lần tương tự, còn cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ ký 8.800 lần. Con số này càng khủng khiếp nếu thống kê tổng số lượng hồ sơ hoàn thuế tại TP.HCM và trên cả nước. Một cán bộ thuế nói tình trạng trên dẫn đến thực tế cơ quan thuế thay vì tập trung quản lý nguồn thu lại mất nhiều tháng trời tập trung hoàn thuế cho người lao động, thời gian này kéo dài trong cả quý 2 và quý 3. Cán bộ thuế dành phần lớn thời gian để ký hồ sơ, thời gian buổi sáng kéo dài đến trưa, chiều tiếp tục ký đến quá giờ làm việc, sau đó đem cả chồng hồ sơ về nhà để giải quyết. “Tất cả phải là chữ ký sống, nếu không kho bạc không chịu. Quy trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế với khoản hoàn bằng tiền mặt và chuyển khoản là như nhau” - một cán bộ thuế trực tiếp giải quyết hồ sơ hoàn thuế TNCN cho biết. |
Nhiều chuyên gia cho rằng xảy ra tình trạng quá tải có nguyên nhân từ việc cơ quan quản lý đã tính toán quá chi li với người lao động, đặc biệt với lao động vãng lai. Cụ thể, với những người lao động vãng lai do chưa rõ họ có thu nhập đến mức chịu thuế hay không, nhưng lo thất thu thuế, cơ quan thuế quy định mỗi lần nhận thu nhập trên 2 triệu đồng đều bị tạm khấu trừ 10%. Cuối năm, nếu chưa đến ngưỡng phải nộp thuế, lúc này người nộp thuế phải làm hồ sơ hoàn thuế để lấy lại tiền. Đặc biệt, theo luật khi phải nuôi người thân, người nộp thuế được giảm trừ một khoản tương ứng với 3,6 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng, họ cũng không được tính phần này vào mà cứ trừ đủ 10% trong mỗi lần nhận thu nhập trên 2 triệu đồng.
Luật thuế TNCN sửa đổi quy định từ ngày 1-7-2013 mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế nâng lên 9 triệu đồng/tháng, còn người phụ thuộc lên mức 3,6 triệu đồng. Như vậy, người lao động phải có thu nhập trên 108 triệu đồng/năm chưa kể người phụ thuộc mới phải nộp thuế TNCN ở bậc 1, với mức khấu trừ 5%. Còn mức khấu trừ 10%, tương đương với người có thu nhập ở bậc 2, tức phải trên 14 triệu đồng/tháng trở lên, tương đương 168 triệu đồng/năm trở lên chưa tính giảm trừ cho người phụ thuộc.
Trong khi thực tế số người thu nhập vãng lai có thu nhập đến mức này rất ít. Nếu cứ chặn trừ trước 10% mỗi khoản thu nhập trên 2 triệu đồng để đảm bảo chắc ăn thu được thuế thì sẽ thiệt thòi cho người nộp vì bị “tạm giữ” một phần thu nhập và cuối năm lại phải vất vả đi hoàn thuế, tốn thời gian, công sức...
Nên đơn giản thủ tục
Ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên trưởng phòng thuế TNCN Cục Thuế TP.HCM, cho rằng muốn giải quyết tình trạng quá tải hồ sơ hoàn thuế phải giảm thủ tục. Theo đó, với những hồ sơ có số thuế hoàn nhỏ nếu đã đủ chứng từ thì hoàn ngay thay vì qua nhiều quy trình. “Khác với hoàn thuế GTGT số tiền hoàn thuế lớn, doanh nghiệp có thể lợi dụng hóa đơn, hoàn thuế TNCN số tiền rất nhỏ, phổ biến chỉ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng, vì sao không đơn giản hóa thủ tục?” - ông Sơn đặt câu hỏi. Cũng theo ông Sơn, cần có sự cải tiến trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế, chứ hiện nay số thuế hoàn dù ít dù nhiều vẫn phải đi một quy trình 24 chữ ký là quá bất hợp lý.
Về chính sách, ông Sơn đề nghị nên nâng mức khởi điểm khấu trừ với các khoản thu nhập vãng lai từ mức 2 triệu lên 4 triệu đồng để làm giảm bớt số lượng hồ sơ hoàn thuế. Không nên vì tâm lý sợ người lao động lợi dụng mà đặt ngưỡng khởi điểm khấu trừ thấp, dẫn đến tăng đột biến số lượng hồ sơ hoàn thuế mà nên theo hướng càng thoáng càng tốt để tập trung làm những đối tượng thu nhập cao hơn như ca sĩ, nghệ sĩ, MC, bác sĩ...
Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cũng đề xuất theo hướng trên. Theo ông Xoa, hiện nay phần lớn hồ sơ hoàn thuế số tiền hoàn rất nhỏ, do vậy nên phân cấp để giải quyết. Chỉ những hồ sơ có số thuế hoàn lớn mới phải qua lãnh đạo cục/chi cục nhằm tránh tình trạng quá tải, chậm trễ. Sau đó có thể giao cho một bộ phận khác chọn mẫu để rà soát lại.
Theo Tuổi Trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sáng 8/11 sau khi Fed hạ lãi suất
Giá nông sản ngày 8/11/2024: Hồ tiêu tăng trở lại, cà phê giảm nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 8/11/2024: USD giảm sau khi Fed điều chỉnh lãi suất
Rạng Đông Holding RDP lại bị 'bêu tên' vì chậm công bố thông tin
HNX: Hầu hết các công ty đều tăng trưởng về điểm số công bố thông tin, minh bạch
Giá heo hơi ngày 8/11/2024: Ổn định trên diện rộng
Cột tin quảng cáo