Thị trường

Hoang hóa Dung Quất

Mỗi năm, Khu Kinh tế Dung Quất thu hút khoảng 10 dự án đầu tư nhưng cũng có chừng đó dự án bị thu hồi

Sau nhiều năm tỉnh Quảng Ngãi triển khai xây dựng Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất, hàng loạt nhà đầu tư đã được cấp phép hoạt động. Thế nhưng, ngoài những dự án đã phát huy hiệu quả bước đầu, nhiều dự án còn lại đang dang dở khiến nhiều nơi trong KKT này dần… hoang hóa.

 

“Chúng tôi đã sai lầm!”

 

Hiện KKT Dung Quất có tổng cộng 115 dự án đã đăng ký đầu tư với tổng vốn lên 8 tỉ USD, trong đó có khoảng 70 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh, sản xuất, giải quyết việc làm cho 14.000 lao động địa phương. Tuy nhiên, phần lớn diện tích trong KKT Dung Quất hiện vẫn là những bãi đất hoang, mật độ dân cư thưa thớt. Đặc biệt, TP Vạn Tường (thành phố trực thuộc... xã duy nhất trong cả nước) sau bao năm xây dựng hiện vẫn vắng tanh; nhiều dự án đăng ký đầu tư nhưng không triển khai.

 

 

Một dự án xây dựng giữa chừng rồi bỏ hoang trong Khu Kinh tế Dung Quất

 

 

Đi dọc các con đường trong KKT Dung Quất, chúng tôi ghi nhận hàng chục dự án triển khai dang dở. Nhiều dự án chủ đầu tư cho xây dựng nửa chừng rồi bỏ hoang để mặc công trình hư hỏng theo thời gian. Điển hình là khu trung tâm khách sạn - nhà hàng, vui chơi giải trí TP Vạn Tường, mặc dù chủ đầu tư chi gần trăm tỉ đồng để xây dựng nhưng nay đành bỏ hoang. Hay như dự án Nhà máy Thép Guang Lian (vốn đầu tư 4,5 tỉ USD) hiện cũng chưa biết số phận về đâu bởi chủ đầu tư đang cho… “trùm mền”.

 

Ông Trần Hồng Minh, đại diện chủ đầu tư dự án khu trung tâm khách sạn - nhà hàng, vui chơi giải trí TP Vạn Tường, cho biết nguyên nhân dự án không tiếp tục thực hiện vì địa bàn KKT Dung Quất quá ít dân, số doanh nghiệp hoạt động lèo tèo. “Nếu bỏ ra hàng trăm tỉ đồng xây dựng khách sạn, nhà hàng lớn trong khi nhu cầu không có, doanh nghiệp phát triển manh mún, nhiều nơi còn hoang sơ thì nhà đầu tư chỉ có phá sản. Chúng tôi đã sai lầm từ đầu, giờ đành dừng dự án” - ông Minh nói.

 

Xí đất để sang nhượng kiếm lời

 

Một dạng khác đang diễn ra trong KKT Dung Quất là hàng loạt chủ đầu tư đã được cấp đất chủ yếu để chiếm chỗ, đợi thời cơ khi KKT này phát triển sẽ sang nhượng để kiếm lời. Việc này không những gây thiệt hại lớn cho địa phương mà còn tạo ra nhiều khó khăn trong quá trình thu hồi dự án.

 

Điển hình như dự án Nhà máy Thép Guang Lian, lúc đầu cấp phép cho Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) làm chủ đầu tư với số vốn 1 tỉ USD. Sau 4 lần điều chỉnh, vốn đầu tư tăng lên 3 tỉ USD. Sau đó, chủ đầu tư này “bán lại” cho một tập đoàn khác của Nhật Bản và hiện chủ đầu tư mới đã quyết định dừng dự án. Điều đáng nói khi triển khai dự án này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tốn hàng trăm tỉ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư nhưng không những không làm, chủ đầu tư còn chiếm đất, xây tường rào xung quanh rồi bỏ đó.

 

Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kiêm Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất, cho biết tính đến tháng 7-2014, tỉnh đã thu hồi 12 dự án đăng ký vào KKT Dung Quất nhưng không triển khai. Hiện còn 23 dự án chậm tiến độ. Nhiều dự án đăng ký vốn đến vài trăm triệu USD nhưng chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện. Một số dự án dù được gia hạn nhưng nhiều năm nay vẫn không triển khai tiếp. “Trong số 23 dự án này, qua rà soát, chúng tôi đã thu hồi 5 dự án, chấm dứt đầu tư 4 dự án đã hình thành tài sản trên đất, giao chủ đầu tư quản lý tài sản. Có 7 dự án chủ đầu tư tiếp tục cam kết tiến độ, chứng minh nguồn vốn để triển khai…” - ông Sô cho biết.

 

Về tình trạng nhiều nhà đầu tư xí đất để chiếm chỗ, ông Sô thừa nhận “có một số dự án như thế”. “Họ đến đăng ký đầu tư tại KKT Dung Quất và được cấp đất nhưng không triển khai mà đợi thời cơ chuyển nhượng lại để hưởng chênh lệch, chủ yếu là các dự án thương mại, dịch vụ. Những dự án này chúng tôi kiên quyết thu hồi. Tuy nhiên, việc thu hồi khá gian nan do có những dự án được các bộ, ngành hoặc Chính phủ cấp phép nên rất khó thu hồi…” - ông Sô nêu khó khăn.

Theo Người LĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo