Xã hội

Học cao vì… thất nghiệp

Sau một năm chờ đợi việc làm không thành công khi đã có tấm bằng Đại học trong tay, H ngậm ngùi tiếp tục đăng ký học cao học lên thạc sĩ. Sẽ làm gì và sẽ thế nào sau khi nhận bằng thạc sĩ là điều mà H chưa bao giờ dám nghĩ đến.

Quyết định học cao học sau một năm thất nghiệp

Cách đây 6 năm, cả nhà H còn hân hoan với chiếc phong bì giấy báo nhập học của trường Đại học Sư phạm gửi về. Vậy mà giờ đây khi nhắc đến tên H, ai cũng lắc đầu ngao ngán cho sự nghiệp học hành của cô.

Sau 4 năm dùi mài kinh sử ở trường Đại học, H đã có được tấm bằng đỏ trên tay. Đó là niềm tự hào của cô và cả gia đình, họ hàng khi ấy. Tưởng chừng lúc nhận bằng cũng là dấu mốc kết thúc những ngày tháng sinh viên nhiều khổ cực, thiếu thốn nhưng H không ngờ, những khó khăn phía trước còn đáng sợ hơn cả thời sinh viên.

Cầm tấm bằng Đại học loại Khá trong tay, cô trở về quê với một vài lời hứa hẹn của người thân giúp H tìm được một công việc phù hợp với trình độ và bằng cấp của mình. Chờ đợi ròng rã một năm trời vẫn chưa có nơi nào chịu nhận cô vào làm việc.

H sinh ra và lớn lên một xã thuần nông thuộc tỉnh Hưng Yên. Bố mẹ cô quanh năm làm việc gắn với ruộng đồng. Bằng quan hệ của mình, bố mẹ H cũng có vài mối đưa đẩy hứa hẹn giúp cô tìm việc làm. Nhưng rồi chờ mãi vẫn chẳng thấy đâu.

H kể: bố mẹ mình nhờ vài người bạn quen biết có quan hệ trong ngành giáo dục của địa phương xin vào làm giáo viên của trường trung học trong tỉnh. Rồi hẹn lên hẹn xuống, dù đã đề cập đến việc phải dùng đến vài trăm triệu để có một chỗ đứng trong trường nhưng cuối cùng mình cũng không có cơ hội làm giáo viên ở đó.

Ở nhà chờ việc suốt một năm ròng là khoảng thời gian khó khăn ngoài sức tưởng tượng của H. Bố mẹ cô làm ruộng, nên nếu ở nhà cũng chẳng bao giờ thiếu việc. Nhưng sau bốn năm lên thành phố học hành, H quen với cuộc sống dù thiếu thốn song không phải vất vả lao động chân tay. Công việc nặng nhọc của một người nông dân đã trở thành quá sức đối với cô.

Hơn thế, học đại học trở về mà cuối cùng công ăn việc làm không có, lại cắm đầu vào mấy sào ruộng, H và cả gia đình mình không cam lòng. Những lời đồn thổi, dè bỉu của người dân trong xã không ngớt rót vào tai cô.

Thỉnh thoảng, H vẫn loáng thoáng nghe được những câu như: “Đấy, học đại học rồi về nhà ăn bám thế thì học để làm gì?”; hoặc vài câu khuyên răn các em đang học lớp 11, 12: “Thôi, thi đại học làm gì? Đỗ rồi học xong đi đâu, làm gì?”…

Dù học tiếp lên cao học nhưng nhiều sinh viên vẫn mờ mịt con đường tương lai. (Ảnh minh họa, nguồn: internet)

Làm việc nặng thì không được, việc nhẹ thì không ai nhận, cuộc sống của H bị rơi vào bế tắc. Cuối cùng, H quyết định đặt dấu chấm hết cho những tháng ngày chờ đợi bằng việc tiếp tục đi học cao học để lấy bằng thạc sĩ với mong muốn sẽ tìm được một công việc phù hợp cho mình.

H chia sẻ: “Cầm tấm bằng cử nhân đại học Sư phạm môn Sinh học trong tay, mình trở về quê với mong muốn xin vào làm việc tại một trường Trung học ở quê. Thế nhưng một năm ròng trôi qua, bao lời hứa hẹn của người thân và một số mối quan hệ khác đều không thành hiện thực. Một năm chờ việc mình chỉ loanh quanh ở nhà. Bạn bè đứa đi học, đứa đi làm nên không có ai chia sẻ, tâm sự hay giúp đỡ mình được. Gia đình, người thân và hàng xóm dù không ai nói gì về việc mình thất nghiệp nhưng mình biết, họ đều đang cười nhạo mình. Đây có lẽ là một khoảng thời gian vô nghĩa nhất trong cuộc đời mình”.

Luẩn quẩn trong bế tắc

Tiếp tục học cao học mà lòng H chẳng thể vui. Bao nhiêu năm nuôi con ăn học, tấm lưng gầy của bố mẹ cô đã gần kiệt sức. Giờ học xong Đại học, cô chẳng những không giúp được gì cho gia đình mà còn trở thành một gánh nặng hơn thế.

23 tuổi, H lại bắt đầu trở thành một sinh viên. Chỉ khác lúc cô 18 tuổi ở chỗ, cô không còn là sinh viên Đại học nữa mà là một sinh viên Cao học.

Biết rằng sức lực của bố mẹ chẳng thể nào gánh được thêm cho mình đi học, H vừa học vừa kiếm việc để tiếp tục nuôi dưỡng sự nghiệp học hành của mình. H chỉ dám xin bố mẹ tiền học phí. Các khoản chi phí sinh hoạt của mình cô phải lăn lộn đi xin việc làm thêm để có thể tự trang trải cho cuộc sống, từ việc gia sư đến phục vụ quán café, quán phở… cô đều chấp nhận làm.

H ngậm ngùi: “Trong lớp học cao học của mình, cũng có đến nửa lớp các bạn đi học vì lí do bị thất nghiệp không xin được việc. Nhưng cũng chỉ có một vài bạn có hoàn cảnh như mình, còn một số các bạn khác đều là gia đình có điều kiện vẫn chu cấp cho tiền ăn học nên không phải lo lắng nhiểu. Tiếp tục học như thế này nhưng không biết sau khi có bằng, mình có xin được việc ở đâu không. Mình cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến sẽ làm thế nào sau khi lấy bằng thạc sĩ”.

Khi được hỏi về thực trạng học lên cao vì thất nghiệp của nhiều bạn trẻ hiện nay, Thu Trang – sinh viên mới tốt nghiệp trường Đại học Thương mại ngao ngán: “Việc các bạn sinh viên học Đại học xong các bạn chạy luôn vào học cao học khá phổ biến trong những năm gần đây. Đặc biệt ở một số ngành khó xin việc. Trong khi người nghỉ hưu thì ít mà người học ra trường lấy bằng tốt nghiệp thì nhiều. Có nhiều trường hợp dù có tiền cũng không thể chạy vào một nơi làm việc tốt được. Mình cũng mới ra trường nhưng quyết định không về lại quê mà ở lại Hà Nội tìm việc làm. Ban đầu dù lương thấp nhưng chấp nhận là đi học việc và tích lũy kinh nghiệm. Mình sẽ không học lên cao học”.

Câu chuyện của H chỉ là một trong số rất nhiều những bạn trẻ đang theo học Cao học. Tình trạng học rồi không biết học xong lấy bằng sẽ làm gì là một dấu hỏi lớn còn bỏ ngỏ trong việc đào tạo Đại học và sau Đại học của nước ta hiện nay.

Kiều Luyến
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo