Xã hội

Học sinh có quyền học theo sở thích và năng lực

Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực, dạy người, dạy chữ, dạy nghề... nên mô hình trường học toàn diện sẽ đáp ứng yêu cầu thực học, thực nghiệp.

Nghị quyết 29/NQ-TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT ra đời đã tạo động lực thúc đẩy phong trào đổi mới phương pháp dạy học. Sự đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học không chỉ góp phần phát triển trí tuệ mà còn giúp học sinh (HS) rèn luyện kỹ năng trong cuộc sống.

Những sáng kiến về đổi mới phương pháp học tập chú trọng phát triển tư duy, khả năng sáng tạo cho HS đã được ngành Giáo dục Hà Tĩnh mạnh dạn triển khai từ năm học 2012-2013 với phương pháp “Bàn tay nặn bột” được thí điểm tại Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) và Tiểu học thị trấn Thạch Hà. Đi qua những bỡ ngỡ buổi đầu, giờ đây, mỗi buổi đến trường của HS là những giờ học thú vị, hấp dẫn. Cô Hoàng Thị Diệu Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Hà cho biết: “Bản chất của phương pháp “Bàn tay nặn bột” là giúp HS tiếp cận tri thức theo cách của những người nghiên cứu khoa học. Đó là phương pháp tốt nhất để hình thành và phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu cho các em từ khi còn là HS tiểu học”, báo Hà Tĩnh đưa tin.

Học sinh có quyền phát biểu ý kiến phản biện của mình khác với ý thầy.

Trên tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc...”, ngành giáo dục đã mạnh dạn áp dụng những ưu việt của các phương pháp giảng dạy theo mô hình trường học mới, giáo dục mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch, dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu công nghệ giáo dục, phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong các nhà trường, đặc biệt là bậc tiểu học.

Không chỉ ở Hà Tĩnh, nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng đang dần áp dụng phương pháp học tập mới này.

Phát triển toàn diện học sinh (HS) là nhà trường tạo điều kiện, hỗ trợ, giáo dục, rèn luyện HS phát triển hài hòa, quân bình cả 7 yếu tố: đức, trí, thể, mỹ, tình cảm, xã hội và nghề nghiệp. Đức dục được xem là cái gốc của con người, vì vậy, phát triển đạo đức HS không chỉ giới hạn ở các môn đạo đức hay giáo dục công dân mà có ở tất cả các môn học khác. Đồng thời học đạo đức không chỉ dừng ở lý thuyết suông mà phải được thực hành trong hoạt động hằng ngày của HS.

Về trí dục, HS tiếp thu, lĩnh hội kiến thức không còn thụ động mà được chủ động bằng việc tham gia tích cực hơn vào quá trình học tập. Nhà trường phải tạo nhiều điều kiện, tình huống để HS vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã lĩnh hội vào giải quyết các vấn đề học tập và cuộc sống hằng ngày.

HS không chỉ rèn luyện cho thân thể khỏe mạnh, cường tráng mà còn ham thích hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt các câu lạc bộ. HS không chỉ học nghệ thuật ở các môn âm nhạc, mỹ thuật mà còn học thẩm mỹ ở các môn học khác, báo Thanh niên đưa tin.

 

Nhà trường phải thể hiện sự dân chủ trong giáo dục bằng cách đảm bảo cho HS có quyền xây dựng kế hoạch học tập, đăng ký các môn học tự chọn phù hợp với khả năng, sở thích của mình. Nếu năm học này nhà trường chưa đáp ứng được môn học hay chủ đề mà một nhóm HS đăng ký thì phải phấn đấu đáp ứng vào những năm sau hoặc gửi nhóm HS này qua học ở một cơ sở giáo dục khác có đủ điều kiện. HS cũng phải được tham gia tích cực và nhiều hơn vào quá trình học tập của mình, người thầy sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn hơn là người dạy. 

Ngoài ra, HS cũng phải được tham gia vào quá trình tổ chức các hoạt động của nhà trường cũng như các đoàn thể… Cao nhất là HS có quyền phát biểu ý kiến phản biện của mình khác với ý thầy nhưng cần được tôn trọng, không bị trù dập, khiển trách.

Nên đọc
Nguyễn Hà (tổng hợp theo báo Thanh niên, Hà Tĩnh)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo