Xã hội

Học sinh TPHCM đối thoại với lãnh đạo Sở GDĐT: Chạm thẳng vào những vấn đề gai góc

Sáng 21.3 tại TPHCM, hơn 150 học sinh đến từ các trường THPT, GDTX thay mặt cho hàng nghìn học sinh thành phố đã có buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Sở GDĐT tại diễn đàn “Tiếng nói của học sinh phổ thông TPHCM lần 6” về những băn khoăn, trăn trở của học sinh.

Năm nay với việc thay đổi môn thi tốt nghiệp, thậm chí thay đổi khối thi ĐH (V1 của ĐH Kiến trúc TPHCM) khi kỳ thi đã cận kề khiến không ít học sinh lo lắng. Lưu Yến Bình (THPT Trường Chinh) thắc mắc: “Việc thi tốt nghiệp còn 4 môn liệu có làm khó tới học sinh không khi gần đến kỳ thi mới quyết định đổi quy chế?”.

“Nóng” với chương trình học và thi cử
 
Trong khi đó, Nguyễn Huỳnh Duy (THPT Nguyễn Văn Linh) cho rằng sẽ có xảy ra tình trạng học lệch khi hầu hết các bạn đều chọn môn thi tốt nghiệp trùng với khối thi ĐH dẫn đến việc lơ là, bỏ rơi các môn xã hội, nếu cứ như vậy liệu có ảnh hưởng đến cấu trúc ngành nghề xã hội sau này?
 
Huỳnh Thị Mai Trân (Trường THPT Trí Đức) bày tỏ: “Hiện nay chương trình học của tụi em quá nặng về lý thuyết, trong khi thực hành lại không nhiều. Ở tất cả môn học đều đặt nặng yêu cầu trả bài lý thuyết. Vì vậy theo em, nên tăng liều lượng thực hành vào các bài kiểm tra”...
 
Mạnh dạn đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở. Ảnh: Đ.Hạnh
 
 Phạm Thái Tiểu My (THPT Bình Khánh, H.Cần Giờ) đặt câu hỏi: “Tại sao môn giáo dục công dân lại bắt học sinh học cả kiến thức về triết khiến chúng em khó tiếp thu? Em mong môn học này trở về với bản chất là giáo dục đạo đức, lối sống thay vì những kiến thức lý thuyết và chỉ quy về điểm số”.
 
Bên cạnh đó là những ý kiến đóng góp thẳng thắn về những bất cập trong việc dạy môn tin học khi chương trình dạy đã quá lỗi thời hay môn ngoại ngữ còn hạn chế về 4 kỹ năng, Phó giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Hoàng Chương cho biết: “Nếu chương trình học nặng nề, khô khan thì trường nên chủ động giảm tải sao cho hợp lý chứ không nhất thiết phải học hết các nội dung trong sách vì tiêu chí cao nhất mà sở đặt ra là hiệu quả dạy trong từng tiết học. Về môn tin học, chúng tôi tiếp thu và ủng hộ theo ý kiến của học sinh”. Ông Chương cũng thừa nhận môn giáo dục công dân vẫn thiếu thực tế và sẽ tiếp tục góp ý với Bộ GDĐT về vấn đề này.
 
Phó giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Tiến Đạt mong học sinh thầy cô cố gắng thích nghi với việc thay đổi quy chế thi tốt nghiệp - đáng ra phải thực hiện ngay từ đầu năm học.
 
“Không chỉ quẩn quanh bên bàn học”
 
Tại diễn đàn này, các em quan tâm rất nhiều đến Hoàng Sa - Trường Sa và biển đảo Việt Nam với những đề nghị tăng thêm kiến thức về biển đảo trong chương trình học. Em Trần Thiên An (THPT Lê Hồng Phong) còn mạnh dạn đề xuất: “Xin cho chúng em được đi thực tế tại Trường Sa”. Thanh Liêm (Trường Thiếu sinh quân) nhận định: “Những vấn đề về lịch sử Việt Nam sau năm 1975 còn quá ít, chúng em muốn được học nhiều hơn về những chiến thắng Gạc Ma, chiến tranh biên giới phía bắc hay chiến đấu giữ vững biển đảo của tổ quốc”. Lý Nhật Hoàng (TTGDTX Q.12) đề xuất: “Có thể lồng ghép kiến thức lịch sử vào các bài đọc hiểu, điền từ trong môn Anh văn, như vậy học sinh vừa được học ngoại ngữ, vừa học lịch sử thay vì phải học các nhân vật hay lịch sử nước ngoài”.
 
Lục Quỳnh Như (THPT Đinh Thiện Lý) đặt vấn đề về việc thêm kiến thức về văn hóa Việt Nam vào các môn xã hội: “Như vậy thì em nghĩ học sinh sẽ thích các môn xã hội hơn”.
 
Cẩm Nhung (THPT Lê Hồng Phong) đưa ra sáng kiến: “Đề nghị thành lập quỹ hỗ trợ an toàn cho học sinh, có thể khởi nguồn từ học sinh TPHCM nhằm hỗ trợ các bạn học sinh vùng sâu, vùng xa, để không còn cảnh các thầy cô, bạn bè đu dây đến lớp hay phải chui vào bao nylon để vượt suối”. Ý kiến này của Cẩm Nhung được cả hội trường vỗ tay vang dội ủng hộ.
 
Ông Nguyễn Hoài Chương khẳng định : Thành công lớn nhất qua buổi đối thoại lần này là chúng tôi được nhìn thấy học sinh của mình trưởng thành hơn, không còn quẩn quanh ở bàn học như trước đây... Buổi đối thoại tuy diễn ra trong không khí thân tình, nhẹ nhàng nhưng đã đặt ra nhiều vấn đề lớn cho xã hội… “.
Đại diện Sở GDĐT TPHCM cho biết sẽ tiếp thu hết các ý kiến đóng góp của học sinh, từ đó có những điều chỉnh hoặc kiến nghị lên Bộ GDĐT để có những quyết sách phù hợp với thực tế hơn.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo