Pháp luật

Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông bị tố tuyển sinh vượt 8.000 chỉ tiêu

Nhiều sai phạm của Học viện công nghệ bưu chính viễn thông liên quan đến việc tuyển sinh được phanh phui.

Tuyển sinh vượt 8.000 sinh viên

Vừa qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn tố cáo của cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông tố cáo về việc tuyển sinh sai so với quy định, vượt thêm hàng nghìn sinh viên để tăng nguồn thu với số tiền “khổng lồ” của lãnh đạo Học viện và việc bổ nhiệm giám đốc học viện không đủ tiêu chuẩn.
Ngày 31/12/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT về quy định chế độ làm việc với giảng viên thay thế cho các quy định trước đây, có hiệu áp dụng từ ngày 25/03/2015.
Trong đó nêu cụ thể: Giảng viên đại học phải có số giờ trực tiếp trên lớp chiếm tối thiểu 50% định mức quy định (tối thiểu đứng trên lớp 135 giờ).
Tháng 05/2014, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông được chuyển về Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng bắt đầu từ đây rất nhiều lao động của học viện bị suy giảm.

Đơn tố cáo của cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh Bảo Nam.

Theo số liệu của học viện, tổng lao động của toàn Học viện (gồm cả cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh) đến tháng 12/2015 chỉ còn có 768 người, trong đó có 49 người làm hợp đồng vụ việc không thuộc biên chế của Học viện (tức là lao động biên chế chỉ có 719 người).
Cũng theo số liệu quản lý chính thức của Học viện thì trong số 768 người trên có 234 lao động quản lý, giảng viên có 265 lao động (trong đó gồm cả 39 giảng viên đang ở nước ngoài dài hạn không hề tham gia giảng dạy…
Căn cứ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số: 47/2014/TT-BGDĐT có hiệu lực áp dụng từ ngày 25/03/2015 thì các giảng viên đang ở nước ngoài dài hạn, các nghiên cứu viên tại các Viện Nghiên cứu thuộc Học viện không được giao nhiệm vụ giảng dạy chính quy, không đủ số giờ đứng lớp đạt 50% số giờ chuẩn sẽ không được tính để xác định quy mô đào tạo của Học viện.
Đồng thời, tại Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT ngày 02/12/2011 của Bộ giáo dục và đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ Tiến sỹ, Thạc sỹ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp quy định số sinh viên chính quy tính trên 01 giảng viên được quy định tối đa là 25 sinh viên/giảng viên quy đổi.
Như vậy, nếu tính cả đội ngũ hướng dẫn, phục vụ thực hành là giảng viên cơ hữu thì toàn Học viện hiện nay có khoảng 226 giảng viên, tương đương khoảng 263 giảng viên quy đổi.

Trường Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông chính thức thuộc Bộ thông tin và truyền thông vào tháng 05/2014. Ảnh Bảo Nam.

Nhưng trên các văn bản quản lý của Học viện công bố thì tổng quy mô đào tạo các hệ chính quy của Học viện tính đến ngày 15/09/2015 là 15.386 sinh viên và đến ngày 31/12/2015 quy mô đào tạo của Học viện là 14.485 sinh viên.
Như vậy, theo số lượng đội ngũ giảng viên thực tế của Học viện đến hết tháng 12/2015 thì tỷ lệ sinh viên chính quy là 55,07 sinh viên/ giảng viên quy đổi, cao bằng 220% mức tối đa so với quy định cho phép của Bộ Giáo dục.
So với quy mô được phép đào tạo thì năm 2015, Học viện công nghệ bưu chính viên thông đã vượt cao hơn 8.000 sinh viên và tạo ra nguồn thu lên đến 80 tỷ đồng/năm cho Học viện (học phí bình quân mà học viện thu là khoảng 10 triệu đồng/sinh viên/năm).
Không chỉ có vậy, trong đợt đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016, lãnh đạo Học viện đã chỉ đạo xáo trộn danh sách giảng viên giữa các môn học và danh sách giảng viên giữa các khối ngành kỹ thuật, kinh tế để lập báo cáo và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 không đúng, không trung thực, tiếp tục sai phạm về tổng chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành.

Bổ nhiệm Giám đốc học viện sai quy định

Được biết, ông Vũ Văn San từng làm lãnh đạo một phòng nghiên cứu trực thuộc Viện khoa học kỹ thuật bưu điện.
Năm 1997, khi thành lập Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông thì Viện Khoa học kỹ thuật bưu điện được nhập vào học viện làm đơn vị trực thuộc.
Sau đó, ông San được chuyển về Bộ thông tin và truyền thông và được bổ nhiệm làm Vụ phó. Cuối năm 2014, ông San được điều động về làm Phó giám đốc Học viện.
Mặc dù, không đủ tiêu chuẩn bắt buộc đối với người làm Hiệu trưởng nhưng đến tháng 09/2015, ông Vũ Văn San chính thức được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện công nghệ bưu chính viễn thông.

Ông Vũ Văn San, Giám đốc Học viện công nghệ bưu chính viễn thông. Ảnh Internet.

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu thì tiêu chuẩn bắt buộc của Nhà nước đối với việc bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học (Học viện) là phải từng tham gia quản lý cấp Khoa, Phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhât là 05 năm.
Đây cũng là tiêu chuẩn bắt buộc đã được nêu tại điều 20, Luật Giáo dục đại học đã được Quốc Hội khóa 13, kỳ họp thứ 03, thông qua ngày 18/06/2012. Và được nêu tại điều 11, Điều lệ trường đại học đã được Thủ Tướng ban hành tại quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014. Đồng thời được Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông quy định tại điều 8 của quy chế tổ chức và hoạt động của Học viện công nghệ bưu chính viễn thông tại quyết định số 1766/QĐ-BTTTT ngày 25/11/2014.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà việc bổ nhiệm ông Vũ Văn San làm giám đốc Học viện công nghệ bưu chính viễn thông vẫn được thực hiện.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục thông tin.

 

Nên đọc
Theo Giaoduc.net.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo