Xã hội

Hỏi Bộ trưởng mãi vẫn không thỏa lòng

Buổi điều trần của Bộ NN&PTNT vừa qua về khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn mới một lần nữa thể hiện sự luẩn quẩn trong tư duy, ngụy biện, không thuyết phục được cử tri. Một số ĐBQH phải chất vấn Bộ trưởng đến 2-3 lần mà vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

 LTS: Câu chuyện "dưa hấu 800 đồng" và hàng  loạt những câu chuyện khác về nông nghiệp trong thời gian gần đây tiếp tục gợi mở những trăn trở của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học về hướng đi cho nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp được nhiều người dân quan tâm vì Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, gần 70% dân số là nông dân, tầng lớp hy sinh, chịu đựng thiệt thòi nhiều nhất, cả trong thời chiến lẫn thời bình, đồng thời cũng đóng góp nhiều nhất vào việc ổn định kinh tế xã hội.

Nút thắt lớn của ngành nông nghiệp
 
Trong hơn chục năm trở lại đây nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng nhưng không bền vững. Năng suất lao động nông nghiệp quá thấp, tổn thất sau thu hoạch quá lớn, sản xuất không theo định hướng thị trường.
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Lê Anh Dũng
 
Tổ chức quản lý nhà nước yếu kém: Hiệu suất, hiệu quả hoạt động kém Chất lượng của cả đầu vào và đầu ra không kiểm soát được. Điệp khúc “được mùa mất giá” diễn ra thường xuyên, liên tục hết năm này qua năm khác.
 
Có 3 nút thắt lớn của ngành nông nghiệp là: 1) Hiệu quả thấp nên thu nhập của nông dân thấp. 2) Nông nghiệp là ngành kinh tế có độ mở cao, song chủ yếu xuất/bán thô, tỉ lệ chế biến sâu rất ít nên thực tế phần lớn giá trị gia tăng nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. 3) Giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng không được phân phối công bằng giữa các khâu, trong đó nông dân là người sản xuất ra nông sản hàng hóa phục vụ chế biến, xuất khẩu nhưng lại được hưởng lợi thấp nhất và chịu rủi ro nhiều nhất cả về thiên tai, dịch bệnh và giá cả.
 
Tồn tại trên, theo chúng tôi là do cơ chế quản lý đất đai không phù hợp. Tư duy sản xuất chạy theo số lượng có từ thời còn túng thiếu nên từ giống, kỹ thuật, đầu tư đều hướng vào tăng năng suất, tăng vụ. Do đó, muốn chuyển đổi cũng không thể một sớm một chiều. Sản xuất manh mún, qui mô nhỏ ở cấp hộ gia đình, trước đây từng là động lực tăng trưởng do khai thác được lao động phổ thông của mọi lứa tuổi nay đã chứng tỏ không còn phù hợp trong điều kiện mới.
 
Nhưng nói khoa học kỹ thuật có yếu kém thì trước tiên đó là khoa học… quản lý. Bằng chứng là chỉ sau 02 năm thực hiện Nghị quyết 10 và Chỉ thị 100, Việt Nam đã hoàn toàn đổi khác, từ nước nhập khẩu ròng lương thực đã trở thành nước xuất khẩu đứng hàng nhất nhì thế giới. Nói cách khác khoa học kinh tế xã hội trong đó có khoa học quản lý không theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước.
 
Điều này thể hiện ở sự mâu thuẫn giữa chủ trương và cách điều hành của lãnh đạo Bộ NN& PTNT. Ví dụ chương trình lúa lai sau 20 năm thực hiện có thể nói là đã thất bại, khi mà sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 25-30% nhu cầu. Do một mặt nhà nước “hô hào” sản xuất giống trong nước nhưng đồng thời lại thực hiện chính sách “đi tắt đón đầu” trong vấn đề sử dụng lúa lai, cho phép nhập khẩu hạt giống lai F1 và có chính sách trợ giá, bù giá cho việc sử dụng giống lai. Kinh doanh lúa lai quá dễ và quá lãi nên người người buôn lúa lai, nhà nhà buôn lúa lai và chẳng còn ai thiết tha, quan tâm đến nghiên cứu, sản xuất trong nước.
 
Buổi điều trần của Bộ NN&PTNT vừa qua về khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn mới một lần nữa thể hiện sự luẩn quẩn trong tư duy, ngụy biện, không thuyết phục được cử tri. Một số vị đại biểu Quốc hội phải chất vấn Bộ trưởng đến 2-3 lần mà vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
 
Khi hỏi về giải pháp, Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời "Giải pháp trước mắt phải tìm mọi cách tăng thu nhập nhưng đồng thời tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn có chất lượng"!? Rõ ràng, đây là mục đích, không phải là giải pháp. Nhiều câu trả lời rất chung chung như "cần có sự điều chỉnh và tái cơ cấu mạnh mẽ" v..v... nhưng cử tri không thấy đột phá ở đâu?
 
Tạo sân chơi công bằng?
 
Theo chúng tôi, để xây dựng lại nền nông nghiệp phải giải quyết các nút thắt nêu trên.
 
Về quan điểm: Phải coi nông nghiệp là một ngành đa chức năng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh cho trên 90 triệu người. Có quan niệm như vậy thì đầu tư mới tương xứng, mới thực sự được Nhà nước quan tâm.
 
Về chiến lược: Nếu như quá trình đổi mới trước đây là quá trình đổi mới về thể chế dựa trên 03 trụ cột phát triển chính là:
 
Đổi mới chính sách với hộ gia đình là đơn vị kinh tế trọng điểm, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, bỏ chế độ 2 giá. Tăng cường đầu tư (nhất là thủy lợi và giống). Phát triển Khoa học công nghệ (chủ yếu là giống) thì giai đoạn tới phải là: Tiếp tục đổi mới về thể chế dựa trên các trụ cột:
 
Nâng cao vai trò, vị thế của nông dân thông qua hỗ trợ phát triển các tổ chức của họ (tổ hợp tác, HTX). Sửa đổi thể chế đất đai, tài chính, tín dụng nhằm tạo ra thị trường mua bán quyền sử dụng đất minh bạch, đảm bảo quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực.
 
Tạo hành lang pháp lý và sân chơi công bằng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản. Tăng cường đầu tư phát triển khoa học nghệ. Đổi mới quản lý nhà nước trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là công tác quản lý theo quy chuẩn và công tác dự báo, đẩy mạnh phi tập trung các dịch vụ công. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
 
Như vậy, động lực của giai đoạn trước là đầu tư chủ yếu của Nhà nước, nay chuyển cho Doanh nghiệp lo, chỉ có họ bỏ tiền ra họ mới lo hiệu quả.
 
Về quản lý Nhà nước, phải quán triệt nguyên tắc, ai sản xuất thì người đó bán/xuất khẩu. Hiện tại, công đoạn sản xuất là thu nhập thấp nhất, còn thu gom, chế biến, xuất khẩu là lãi cao và rủi ro thấp. Nếu để như hiện nay thì nông dân không bao giờ được hưởng chút nào của chuỗi giá trị và cũng chắng ai quan tâm đến phát triển, ổn định thị trường. Như vậy, toàn bộ chức năng quản lý xuất nhập khẩu nông sản phải chuyển từ Bộ Công thương về Bộ NNPTNT.
 
Vì vậy, để khắc phục được thực trạng hiện nay tại Việt Nam không thể thiếu được vai trò định hướng vĩ mô của các nhà quản lý, để gắn kết nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học xây dựng các hệ thống packing house có mạng lưới kết nối với các siêu thị và các nhà máy chế biến.
 
Chúng ta đồng ý là tái cơ cấu hay cấu trúc như nhiều người nói, thậm chí xây dựng lại. Tuy nhiên muốn làm được điều đó thì phải thay đổi tư duy trên cơ sở các khái niệm mới, mà tư duy là con người.
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo