Thị trường

​Hội nhập để cải cách thể chế

Khoảng 500 nhà đầu tư nước ngoài đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp VN (VBF) diễn ra hôm 2-12 tại Hà Nội, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các bộ, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN Victoria Kwakwa trong giờ giải lao tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên.

Ngoài những thành tựu đạt được, nhiều nhà đầu tư vẫn “kêu” thủ tục hành chính.

Là một trong những người phát biểu đầu tiên, ông Gaurav Gupta - chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại VN (AmCham) - “đúc kết”: với các công ty tuân thủ pháp luật cao, VN là nơi khó thành công.

Ông Gaurav nêu thực tế nhiều thay đổi luật pháp thiện chí nhưng cuối cùng vẫn cản trở kinh doanh như để chống rửa tiền, VN đòi khai rất nhiều thông tin cá nhân...

Ông David Lim, trưởng nhóm công tác đất đai của diễn đàn VBF năm nay, cho biết để được cấp giấy chứng nhận đầu tư phải trải qua hàng loạt khâu như xin UBND cấp quyết định chỉ định nhà đầu tư (làm hồ sơ năng lực, giải trình kế hoạch giải pháp kinh tế kỹ thuật...).

Tiếp đến là xin phê duyệt quy hoạch tổng thể 1/500 rồi cuối cùng là khâu xin chấp thuận đầu tư. Dù mất nhiều thời gian, có thể tới 160 ngày để làm các hồ sơ trên, nhưng nhà đầu tư vẫn không biết liệu mình có được thực hiện dự án bất động sản không. 

Theo ông Colin Blackwell - trưởng tiểu nhóm công tác nguồn nhân lực (VBF), khó khăn trong xin giấy phép lao động cho người nước ngoài vốn đã được đề cập trong kỳ VBF năm trước, nay vẫn không có bước chuyển đáng kể.

Hiện tại, quá trình chuẩn bị hồ sơ để được cấp giấy phép lao động ở VN có thể tới bốn tháng trong khi có chuyên gia chỉ sang chuyển giao công nghệ vài ngày hoặc vài tuần.

“65% doanh nghiệp cho rằng xin giấy phép lao động tại VN lâu gấp đôi so với các nước châu Á khác” - ông Colin Blackwell nói.

Chính sách chưa rõ ràng

Ông Kim Jung In, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN, cho biết doanh nghiệp Hàn Quốc đang phải đối mặt hai thách thức về pháp lý.

Cụ thể: việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng theo thông tư của Bộ Khoa học và công nghệ phải đảm bảo chất lượng tương đương 80% chất lượng gốc. Dù thông tư này đã được hoãn thi hành nhưng ông Kim nêu văn bản này chưa vô hiệu lực hoàn toàn.

Do đó, nhà đầu tư vẫn không biết sau này sẽ áp dụng thế nào. Ngoài ra, VN quy định miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu với doanh nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, thực tế “cả doanh nghiệp đã được chứng nhận là công nghệ cao cũng rất hiếm khi được hải quan cho miễn thuế vì dẫn giải luật chưa rõ ràng”- ông Kim nói.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), các doanh nghiệp VN hiện đang gặp những khó khăn lớn như: thiếu minh bạch trong việc tiếp cận các tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý từ các cơ quan chính quyền.

Nhiều doanh nghiệp khi hoạt động cần tham khảo các tài liệu trên nhưng việc tiếp cận còn gặp nhiều khó khăn. Tiếp đến là rất khó dự đoán được những thay đổi, điều chỉnh các quy định pháp luật.

Kết quả khảo sát của VCCI, chỉ khoảng 9% doanh nghiệp có thể dự đoán được việc thực thi của tỉnh đối với quy định pháp luật của trung ương.

Thậm chí, có sự trở lại của tư duy quản lý kiểu cũ, thay vì tạo sự thông thoáng thì một số lĩnh vực lại có xu hướng siết chặt hơn khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ giải thể.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh, từ năm 2011-2013 VBF đã nêu ra 170 vấn đề, trong đó hiện đã có 107 vấn đề được xử lý xong và đang xử lý. Chỉ còn 63 vấn đề đang nghiên cứu, chưa được giải quyết, đây là những vấn đề liên quan đến quan điểm, mang tính tranh luận.

Do đó cần tiếp tục trao đổi để đi đến thống nhất. Những kiến nghị này đã góp phần cải thiện cơ chế chính sách của VN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của VN trong những năm vừa qua.

Giảm mạnh tỉ lệ vốn Nhà nước nắm giữ

Đánh giá cao nhiều ý kiến góp ý, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại nhiều lần tinh thần sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Để giải đáp cũng như định hướng cho nhà đầu tư, Thủ tướng nêu một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2015.

“Tỉ giá, lãi suất sẽ được kiểm soát ổn định, lạm phát sẽ kiểm soát ở mức 5%. Năm nay dưới 3%, chúng tôi sẽ chủ động kiểm soát ở 5% năm tới để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. GDP năm 2014 là 5,9% và 2015 sẽ tăng khoảng 6,2%” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó tập trung cải cách thể chế, thủ tục hành chính, phát triển mạnh các loại thị trường như vốn, lao động, bất động sản... tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao cạnh tranh.

Sẽ cải cách môi trường kinh doanh, thực hiện công khai, minh bạch theo tinh thần kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.

Dự kiến đầu năm 2015, VN sẽ ký kết hiệp định thương mại tự do với EU. Sắp tới sẽ diễn ra lễ ký thỏa thuận kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do VN - Hàn Quốc. Đồng thời VN đang tích cực tham gia 11 nước khác đẩy mạnh đàm phán TPP.

“Tôi muốn chuyển đến thông điệp rằng VN muốn hội nhập sâu rộng để phát triển nhanh, bền vững hơn, để cải cách, hoàn thiện thể chế, luật pháp” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết VN sẽ đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Đến hết năm 2015, không chỉ hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước mà VN cũng sẽ giảm mạnh tỉ lệ vốn Nhà nước nắm giữ. Sẽ khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào VN.

Một ưu tiên nữa của Chính phủ là phòng chống tham nhũng qua việc hoàn thiện kinh tế thị trường và công khai minh bạch trong quản lý tài sản, tài chính ngân sách, khoáng sản...

 "Tôi muốn chuyển đến thông điệp rằng VN muốn hội nhập sâu rộng để phát triển nhanh, bền vững hơn, để cải cách, hoàn thiện thể chế, luật pháp"

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG

 6 chồng hồ sơ để được... tiếp tục hoạt động

Ông Khalid Muhmood, thuộc nhóm công tác giáo dục và đào tạo của VBF 2014, đã thay đổi không khí diễn đàn khi trình chiếu cho các lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành một bức ảnh để cho thấy phần nào tình hình thủ tục hành chính ở VN.

Theo ông Khalid Muhmood, chỉ để một cơ sở giáo dục ngoại ngữ được tiếp tục việc đào tạo, luật sư đã phải bê cả đống hồ sơ đi nộp, gồm sáu chồng tài liệu. Ông băn khoăn không chỉ cho vị luật sư nữ mà cho cả những người ở cơ quan chức năng sẽ phải đọc số hồ sơ này.

Sẽ nới room nhà đầu tư ngoại lên 60%!

VN đang cần vốn, nhưng theo ông Dominic Scriven - nhóm công tác thị trường vốn (VBF), với hạn chế tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết (hiện là 49%), nhà đầu tư ngoại chỉ có thể mua thêm tối đa 3,1 tỉ USD.

Ông Dominic Scriven đề nghị VN cần cho sở hữu nước ngoài lên đến 100% với các ngành nghề VN đã cam kết mở cửa theo đúng lộ trình WTO.

Về vấn đề này, ông Vũ Bằng - chủ tịch Ủy ban Chứng khoán - cho biết cơ quan chức năng đang đệ trình Chính phủ hướng nới tỉ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư ngoại lên 60%.

Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo