Hội thảo KH về Đại thắng mùa xuân 1975: Đúc kết kinh nghiệm để bảo vệ tổ quốc
Nắm chắc thời cơ, thần tốc, bất ngờ
Một số tham luận khẳng định tài thao lược, tính quyết đoán, linh hoạt sáng tạo trong chỉ đạo chiến lược và chiến dịch, nghệ thuật tạo thời cơ và chớp thời cơ giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh miền. Nhưng trên tất cả chính là sự đóng góp, hy sinh to lớn của quân và dân cả nước, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam, vai trò của hậu phương miền Bắc và thế chính nghĩa của VN trên trường quốc tế.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm, với tốc độ thần kỳ “một ngày bằng 20 năm”, có tầm vóc lớn cả về chính trị và quân sự, về không gian và lực lượng, đã giành thắng lợi trong thời gian ngắn. Nó thậm chí diễn ra sớm hơn cả dự định ban đầu tới gần 2 năm, gây bất ngờ và kinh hoàng đối với Mỹ - ngụy. Đặc biệt, cuộc Tổng tiến công này mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên, với trận đột phá then chốt Buôn Ma Thuột, điểm đúng huyệt của kẻ thù, tạo bước chuyển mới về chiến lược. Nắm bắt thời cơ đó, Bộ Chính trị quyết định dốc toàn lực cho trận đánh cuối cùng.
Các tướng lĩnh vẫn còn nhắc lại thời khắc xúc động khi nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Đó là khi tướng Giáp nhận định, bất ngờ không còn ở yếu tố phương hướng, mà là thời gian, bởi theo ông, “một mặt cần cơ động lực lượng nhanh chóng, thần tốc; mặt khác sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động”.
Nhiều tham luận cho rằng, thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ khẳng định ý chí thống nhất đất nước không gì lay chuyển nổi của nhân dân ta, cũng như nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự VN. Đặc biệt, theo ông Lê Thanh Hải - Bí thư Thành ủy TPHCM, đó còn là sự kết hợp đúng đắn và tuyệt đẹp của tổng tiến công và nổi dậy, trong đó, vai trò của Sài Gòn - Gia Định rất quan trọng, để giải phóng và tiếp quản thành phố gần như nguyên vẹn.
Vận dụng bài học trong bối cảnh mới
Nói về mục đích của hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo - nhấn mạnh: “Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi và khát vọng yêu chuộng hòa bình cho các thế hệ”.
Trong bài phân tích của mình, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay, tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á là khu vực phát triển năng động và là nơi cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn. Tuy ít có khả năng chiến tranh, xung đột lớn ở khu vực này, nhưng những tranh chấp biển, đảo sẽ gia tăng, không loại trừ khả năng có đột biến… Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là quân đội nhân dân vững mạnh là yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay. Bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn còn nguyên giá trị, cần được vận dụng phù hợp, cùng với củng cố thế trận của lòng dân”.
Đại tá - TS Phạm Danh Quý chia sẻ: “Tinh thần đại thắng mùa xuân 1975 là một trong những giá trị lịch sử mà các thế hệ VN trân trọng, giữ gìn, phát huy trong những thời kỳ khó khăn phức tạp. Trách nhiệm mà lịch sử trao lại cho thế hệ trẻ hôm nay là phát triển sức mạnh dân tộc với bản lĩnh và trí tuệ cao hơn để tạo nên thắng lợi mới”.
Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam: “Dù đã trải qua 40 năm, song bài học Đại thắng Mùa xuân - 1975 vẫn mang tính thời đại. Câu hỏi đặt ra là làm sao giữ được hòa bình? Tình hình hiện nay khác với 40 năm trước, nhưng tất cả những diễn tiến mà các thế lực thù địch vẫn tìm cách chống phá chúng ta thì không thay đổi. Ta phải luôn nắm chắc âm mưu thủ đoạn diễn biến của nó và lực lượng vũ trang làm sao có được sức mạnh để kẻ thù nếu có ý đồ cũng không đánh được và nếu đánh, mình đủ sức ngăn chặn. Quân đội cần được xây dựng như một đội quân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có năm lực lượng quân - binh chủng kết hợp”.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - nguyên Tham mưu trưởng quân khu 7: “Thế trận của ta lúc đó đã đủ sức rồi, nhưng vấn đề là đánh chỗ nào để gây chấn động và rối loạn. Cho nên, trong quá trình mở chiến dịch Tây Nguyên đánh vào Buôn Ma Thuột, ta đã đánh lừa khôn khéo, đưa địch đến huyệt tử thần, tạo bất ngờ về mặt chiến thuật. Địch bị phá vỡ chiến lược và phải kết thúc chiến tranh. Hội thảo có ý nghĩa nhằm củng cố bài học, đồng thời suy nghĩ lại những gì đã qua, và tiếp tục vạch ra những gì trong tương lai cho phù hợp. Chiến tranh của ta là toàn dân, toàn diện, công sức cuối cùng không phải của riêng lực lượng nào cả, mà dựa trên sức mạnh của toàn dân - đó là lực lượng tuyệt vời để bảo vệ tổ quốc”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo