Quốc tế

Hollande – Merkel đối đầu

Hội nghị Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tối 23/5 (rạng sáng 24/5 giờ Việt Nam) tại Brussels (Bỉ) một lần nữa cho thấy sự chia rẽ sâu sắc của châu lục này trong chiến lược chống khủng hoảng nợ.

Tổng thống Pháp FranÇois Hollande đang giành được sự ủng hộ rộng rãi với chủ trương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Âu thay vì chỉ áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng.

 

Nhưng ông Hollande vẫn chưa thuyết phục được người quan trọng nhất: nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Một tờ báo Đức đã mô tả tương quan lực lượng này như sau: “Những bất đồng xung quanh chính sách thắt lưng buộc bụng và tăng trưởng sẽ “vũ như cẩn” sau hội nghị thượng đỉnh tại Trại David: một bên là Đức, còn một bên là phần còn lại của thế giới”.

 

Báo Le Monde cho biết tại hội nghị ở Brussels, ông Hollande sẽ đề xuất các nước khối đồng euro phát hành trái phiếu chung để huy động vốn đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng và kích thích kinh tế.

 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cùng nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ sự ủng hộ với sáng kiến này.

 

Theo đó, khối đồng euro sẽ phát hành trái phiếu chung do 17 quốc gia thành viên đảm bảo, và khi đó các nước đang khủng hoảng như Tây Ban Nha hay Ý có thể vay vốn với mức lãi suất thấp hơn.

 

Đức phản ứng mạnh

 

Đức luôn phản đối kịch liệt chủ trương này. Theo tạp chí Der Spiegel, quan điểm của Đức là trái phiếu chung sẽ khiến các nền kinh tế châu Âu yếu kém không còn chịu áp lực phải cải tổ để giảm thâm hụt ngân sách.

 

Qua tuyên bố của các quan chức, Đức đang cho thấy nước này không có dấu hiệu nhượng bộ. “Trái phiếu châu Âu là sáng kiến sai lầm - đài truyền thanh NDR dẫn lời Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble tuyên bố - Nó sẽ không khuyến khích kỷ luật tài chính”.

 

“Khi mà một nước vẫn tự quyết chính sách tài chính thì không có lý do gì cả khối đồng euro phải chịu mạo hiểm vì trái phiếu của quốc gia đó” - ông Schaeuble giải thích.

 

Các quan chức Đức khẳng định việc vay vốn với lãi suất thấp chính là nguyên nhân dẫn đến bong bóng bất động sản ở Tây Ban Nha, Hi Lạp đã đi vay ồ ạt, quá khả năng chi trả.

 

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Berlin sẽ chỉ xem xét trái phiếu chung châu Âu khi các nước khối đồng euro tiến đến áp dụng chính sách tài chính chung.

 

Phản ứng của Đức cũng dễ hiểu. Đức là quốc gia có nền tài chính lành mạnh duy nhất trong khối đồng euro hiện nay và có khả năng vay vốn với lãi suất thấp. Nhưng một khi phải đảm bảo nợ cho các nước láng giềng yếu ớt, chi phí vay vốn của Berlin sẽ tăng mạnh.

 

Thế nhưng sức ép lên Đức hiện cũng rất lớn, không chỉ từ bên ngoài châu Âu mà ngay cả tại Đức. Báo Suddeutsch Zeitung viết: “Châu Âu đang là điểm nóng của kinh tế thế giới.

 

Theo quan điểm từ các đối tác lớn nhất của mình, Đức có thể mang lại một giải pháp, chứ chính sách thắt lưng buộc bụng của bà Merkel đang bị xem là một sai lầm nghiêm trọng”.

 

Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, như Bloomberg dẫn lời, châu Âu sẽ rơi vào nguy ngập nếu không phát hành trái phiếu chung. “Nếu các nhà đầu tư toàn cầu ngừng mua trái phiếu của Tây Ban Nha và Ý, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu thứ hai có thể xảy ra” - nhà kinh tế Chris Rupkey thuộc Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ cảnh báo.

 

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế mới đây đã hạ mức dự báo tăng trưởng của khối đồng euro và nhấn mạnh trái phiếu chung là giải pháp cần thiết.

 

Kích thích tăng trưởng

 

Tại châu Âu, không một chính sách lớn nào có thể thành hiện thực nếu không có cái gật đầu của Đức. Báo New York Times bình luận suốt cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, Thủ tướng Merkel luôn áp dụng chiến thuật cứng rắn đến phút cuối cùng trước khi có sự nhượng bộ nhỏ.

 

Nhưng trái phiếu chung là “lằn ranh đỏ” đối với Berlin. Do đó, cuộc đối đầu lần này ở Brussels giữa Hollande - Merkel sẽ rất căng thẳng.

 

Dù đôi bên còn nhiều chia rẽ, nhưng giới chuyên gia dự báo tại hội nghị EU ở Brussels, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đạt được một số thỏa thuận nhằm thúc đẩy tăng trưởng. “Nếu Paris và Berlin lục đục, cả châu Âu sẽ có chuyện” - một chuyên gia nhận định.

 

Bloomberg cho biết EU đang xem xét tăng vốn 12,8 tỉ USD cho Ngân hàng đầu tư châu Âu để rót vào các dự án phát triển hạ tầng châu lục. EU sẽ tìm cách triển khai các dự án hạ tầng ở một số nền kinh tế yếu tại châu Âu.

 

Theo báo New York Times, Nghị viện châu Âu đã đạt được thỏa thuận về “trái phiếu dự án”, công cụ tài chính do EU bảo đảm để huy động vốn đầu tư vào các dự án năng lượng, giao thông, viễn thông...

 

Đây là dự án thí điểm, trị giá khoảng 230 triệu euro, sẽ hoạt động đến năm 2013. Nếu thành công, đầu tư mới sẽ tăng lên đến 4,6 tỉ euro. EU đang yêu cầu các nước thành viên lên danh sách những dự án có thể lập tức tiếp nhận vốn và đi vào hoạt động.

 

Theo kế hoạch, đến hội nghị thượng đỉnh EU ngày 28 và 29/6, các nhà lãnh đạo sẽ công bố những thỏa thuận cụ thể.

 

 

Theo TPO

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo