Hôm nay chất vấn Thống đốc về nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng
Theo kế hoạch, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ điều hành phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. 3 nội dung người đứng đầu ngành ngân hàng phải làm rõ trước Thường vụ Quốc hội gồm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, kết quả xử lý nợ xấu và cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.
Đây là lần thứ hai Thống đốc Bình trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần thứ nhất diễn ra vào tháng 8/2012, khi thị trường ngân hàng đang rúng động với thông tin nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng Á châu (ACB) Nguyễn Đức Kiên bị bắt vì những hành vi lũng đoạn thị trường tài chính. Câu chuyện thâu tóm ngân hàng cổ phần quy mô lớn nhất và uy tín nhất thị trường lúc đó - Sacombank cũng được các đại biểu Quốc hội chất vấn, dù kế hoạch ban đầu Thống đốc phải giải trình về nợ xấu.
Liên quan tới vấn đề nợ xấu, được ví như "cục máu đông" làm nghẽn dòng vốn ra nền kinh tế. Trước những chất vấn của đại biểu về số liệu, căn nguyên của việc nợ xấu gia tăng và biện pháp nào để xử lý, Thống đốc "xin nhận trách nhiệm" trước Quốc hội và hứa có biện pháp kiểm soát hiệu quả.
"Tôi tin tưởng sâu sắc rằng với nỗ lực phấn đấu của toàn bộ hệ thống chính trị, chúng ta sẽ xoay chuyển được tình hình và nợ xấu sẽ được cải thiện trong thời gian tới, tiến tới chỗ là ngay trong nhiệm kỳ này có thể đưa được nợ xấu về mức an toàn theo đúng chuẩn mực quốc tế", Thống đốc phát biểu ngày 21/8/2012.
Khi đó, ngành ngân hàng cũng đang nghiên cứu về đề án thành lập một tổ chức mua bán nợ quốc gia với mục đích xử lý triệt để các khoản nợ xấu, bên cạnh việc yêu cầu các ngân hàng trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro.
Hai năm qua, Thống đốc đã có những hành động để thực hiện lời hứa của mình, như việc ban hành các văn bản pháp luật yêu cầu ngân hàng gọi đúng tên các khoản nợ, yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC)...
Tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ mức 4,47% (theo báo cáo của các tổ chức tín dụng) hay 8,6% (theo cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước) hồi trả lời chất vấn lần đầu xuống còn 4,17% cuối tháng 6/2014. VAMC sau hơn một năm hoạt động cũng mua được 59.000 tỷ đồng dư nợ gốc tính đến cuối tháng 8/2014. Theo Ngân hàng Nhà nước, VAMC là cách thức xử lý nợ xấu phù hợp trong bối cảnh không dùng tiền ngân sách.
Dù vậy, một số đại biểu quốc hội và chuyên gia đánh giá bài toán xử lý nợ xấu vẫn chưa thu được nhiều kết quả. Trong một hội thảo mới đây, đại biểu Ngô Văn Minh còn thẳng thắn đề nghị nên trả lời câu hỏi về nguyên nhân tại sao nợ xấu vẫn còn cao và các nguồn lực để xử lý ở đâu?
Giáo sư Trần Thọ Đạt cùng các cộng sự trong một nghiên cứu về nợ xấu cho rằng ngành ngân hàng mới chỉ dọn dẹp phần lớn nợ xấu về một đầu mối, mà VAMC đóng vai trò như một "kho" lưu giữ. Việc VAMC chưa bán được một khoản nợ xấu nào thời gian qua cũng cho thấy sự bế tắc của công ty này trong bối cảnh áp lực gia tăng nợ xấu ngày càng lớn.
"VAMC cần có được những quyền hạn đặc biệt, chẳng hạn như có một đạo luật riêng về xử lý nợ xấu, giúp giảm thiểu các vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu và đẩy nhanh tốc độ mua bán nợ", nhóm nghiên cứu này đề xuất. Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng cho rằng trong kỳ họp tới phải có luật về mua bán nợ xấu để tạo cơ sở cho VAMC hoạt động.
Liên quan đến tái cơ cấu, với những biện pháp mạnh mẽ từ năm 2012, Thống đốc khẳng định thời kỳ sóng gió nhất đã qua, các ngân hàng yếu kém sau khi hợp nhất, sáp nhập hoặc tự tái cấu trúc đã hoạt động bình thường trở lại..
Song, theo các chuyên gia tại Diễn đàn kinh tế Mùa Thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức, quá trình tái cơ cấu vẫn chậm chạp, đặc biệt là xử lý sở hữu chéo lúng túng và không đạt hiệu quả.
"Việc giải quyết sở hữu chéo chậm trễ là một trong những cản trở lớn nhất đến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam hiện nay", Giáo sư Trần Thọ Đạt và các cộng sự cho hay. Việc cho phép nhà đầu tư mới tham gia nhưng lại không dựa trên nguyên tắc giảm sở hữu chi phối hay giảm sở hữu chéo thì sẽ không thể xử lý được một cách bền vững những nút thắt trên.
Về chính sách tiền tệ, nhiều ý kiến đang tập trung vào việc các ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp thì vẫn "đói". Tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 9/2014 mới đạt 6,19%, trong khi mục tiêu cả năm là 12-14%. 9 tháng đầu năm, con số doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động vẫn tăng 14% so với cùng kỳ, đạt mức 48.330 đơn vị.
Do đó, giới doanh nghiệp lúc này đang rất trông chờ vào sự lắng nghe cũng như giải pháp của người đứng đầu ngành ngân hàng về cơ chế cho vay tín chấp, yêu cầu tài sản đảm bảo trong các khoản vay để những ý tưởng kinh doanh tốt không bị tuột khỏi tầm tay vì thiếu vốn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ra mắt liên minh đổi mới đối tác AI tạo sinh
Kê khai sai thuế, Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 D2D bị phạt hơn 865 triệu đồng
Đà Nẵng: Liên tiếp xử phạt bán hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng tại quận du lịch trọng điểm
Nền tảng ngân hàng số cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu