Pháp luật

Hôm nay, Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục hầu tòa

(DNVN) - Hôm nay 25/7, phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm bước sang tuần làm việc thứ hai, các bị cáo tiếp tục bị thẩm vấn.

Theo báo VOV, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm trong vụ đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng VNCB bước sang tuần làm việc thứ hai.

Trong tuần làm việc đầu tiên, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã công bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo hai tội danh: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Phải sau 3 buổi làm việc, công tố viên mới hoàn tất công bố cáo trạng truy tố cáo bị cáo trước tòa.

Liên quan đến vụ án ngoài cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, còn có 35 bị cáo liên quan, trong đó có những thuộc cấp của bị cáo Phạm Công Danh tại Ngân hàng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh.

Trong tuần làm việc đầu tiên, HĐXX đang làm rõ các hành vi liên quan đến việc truy tố các bị cáo tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều nhận tội. Trong hành vi này, HĐXX vẫn chưa thẩm vấn bị cáo Phạm Công Danh.

Báo Đại Đoàn Kết đưa tin, từ lời khai của các đồng phạm tích cực, được bị cáo Danh chỉ đạo trực tiếp là Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết (nguyên là các cán bộ của VNCB) đã cho thấy các hành vi phù phép “rút ruột” ngân hàng lên đến hàng ngàn tỷ chỉ bằng các hồ sơ giả, hồ sơ khống. 

Công an dẫn giải bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm vào tòa sáng nay. Ảnh: VOV.

Điển hình, ông Danh chỉ đạo cấp dưới sử dụng một loạt pháp nhân của các “đại gia” và nhân vật có tiếng trong lĩnh vực bất động sản, như mẹ con cường Đô la; đại gia trà Trần Quý Thanh; “nhóm Trần Ngọc Bích” (giám đốc công ty Tân Hiệp Phát); Trang “phố núi” (Phạm  Thị Trang) và khoảng 17 pháp nhân có tiếng khác gửi sổ tiết kiệm tại VNCB từ năm 2012, với tên lúc đó là Ngân hàng Đại Tín (TrustBank).

Khoản tiền bị ông Danh và các đồng phạm “rút ruột” nhiều nhất là từ nhóm đại gia do bà Trần Ngọc Bích đứng đầu. Vẫn là chiêu thức Danh chỉ đạo cấp dưới là Hoàng Đình Quyết mượn pháp nhân của “nhóm Trần Ngọc Bích” vay khoản tiền 5.190 tỷ đồng tại VNCB. Số tiền này sau đó được chuyển vào tài khoản cá nhân của Phạm Công Danh và một số đồng phạm đồng sở hữu mở tại VNCB. Tất cả các chứng từ chuyển tiền đều không có chữ ký của chủ tài khoản là “nhóm Trần Ngọc Bích”. 

Trong khi số tiền này được bị cáo Danh dùng để tất toán các khoản bị cáo đã vay trước đó của “nhóm Trần Ngọc Bích”, qua đó đã gây thiệt hại 5.190 tỷ đồng cho VNCB. Ngoài ra, khoản tiền 300 tỷ đồng của 3 cá nhân khác trong nhóm bà Bích cũng được chuyển về tập đoàn Thiên Thanh do bị cáo Danh làm Tổng giám đốc nhưng cũng không có chữ ký của các chủ tài khoản. Không chỉ mượn pháp danh để làm hồ sơ khống rút tiền từ VNCB, bị cáo Danh và các đồng phạm cũng đã làm khống 2 hợp đồng thuê mặt bằng của chính bị cáo Danh để “bỏ túi” số tiền 581,6 tỉ đồng chỉ trong 5 tháng. Các hành vi nêu trên của bị cáo Danh và đồng phạm sau này bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Không chỉ lập hồ sơ khống từ mượn pháp nhân của người khác mà nhiều người cũng điêu đứng vì nhẹ dạ cả tin khi được Phạm Công Danh phong làm giám đốc. Trong số này, gần 10 người đang là nhân viên, tài xế, bảo vệ... đã được nguyên Chủ tịch VNCB thuê làm giám đốc, sau đó yêu cầu ký các hợp đồng khống nhằm rút nhiều nghìn tỷ đồng từ các phi vụ kinh tế vi phạm pháp luật khác nhau. Điển hình là bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân (37 tuổi) vốn là nhân viên bán xe cho Tập đoàn Thiên Thanh, với mức lương 7 triệu đồng mỗi tháng nhưng sau đó được bị cáo Danh nhờ đứng tên làm Tổng giám đốc Công ty Hương Việt. Ở chức vụ này, bị cáo Vân không biết chuyên môn, nhưng cũng không phải điều hành gì cả, chỉ đưa chứng minh nhân dân cho đi đăng ký là được.

Tuy nhiên, với việc ký 3 ủy nhiệm chi giúp ông Danh rút 400 tỷ đồng từ VNCB, bị cáo Vân đang phải đối diện với mức án cao nhất lên đến 20 năm tù. Giống như Vân, bị cáo Trần Văn Bình (50 tuổi) vốn là tài xế tại Tập đoàn Thiên Thanh, mới học hết lớp 7 nhưng được bị cáo Danh và lãnh đạo tập đoàn nhờ làm Giám đốc công ty Trung Dung. Ngoài ra, có nhiều cặp vợ chồng như các bị cáo Vân và Bình được Danh thuê nhận đứng tên làm giám đốc cho các công ty của mình, với mức lương 5-10 triệu đồng mỗi tháng cũng chỉ với một nhiệm vụ duy nhất là ký khống. Họ chủ yếu được chỉ định ký vào các hồ sơ mua bán và hợp đồng tín dụng khống để vay tiền của VNCB sau đó chuyển lại vào tài khoản của bị cáo Danh.

 

Như vậy, bằng nhiều thủ đoạn đơn giản, chỉ trong hai năm tái cơ cấu VNCB, bị cáo Danh và đồng phạm đã thực hiện hàng loạt sai phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng, dễ như “móc tiền trong túi”.   

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo