Xã hội

Hơn 1.500 người xin thôi quốc tịch Việt Nam trong quý 3

(DNVN) - Đây là số liệu được Bộ Tư pháp cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2016 diễn ra sáng nay 17/10.

Thông tin với báo chí về công tác tư pháp, Người phát ngôn - Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, trong quý 3/2016, Bộ Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Cụ thể, về kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2016 (từ ngày 01/10/2015 đến ngày 30/9/2016): về việc, số giải quyết xong trong số có điều kiện giải quyết là 530.428 việc, đạt tỷ lệ 78.53%; về tiền, đã giải quyết xong trong số có điều kiện giải quyết là 29.097 tỷ 865 triệu 317 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 33.74%. Như vậy, so với chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014, năm 2016, hệ thống THADS đã thi hành vượt chỉ tiêu được giao cả về việc (8.53%) và về tiền (3.74%).

Người phát ngôn - Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển.

Bộ Tư pháp đang tiến hành các thủ tục để ra Thông báo không thụ lý, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thông báo từ chối tiếp công dân đối với 10 vụ việc liên quan đến lĩnh vực THADS đã giải quyết theo đúng quy định pháp luật, bao gồm: vụ ông Nguyễn Xuân Dục và bà Nguyễn Thị Đoài - Phú Thọ; vụ ông Nguyễn Văn Đức, bà Phan Thị Nhung - Phú Thọ; vụ ông Vũ Văn Hiến, bà Lê Thị Hường - Nghệ An; vụ ông Lương Ngọc Kính - Quảng Ninh; vụ ông Hoàng Sỹ Công và bà Lê Thị Cơi - Thanh Hóa; vụ ông Phùng Viết Chanh - Hà Nội; vụ ông Phạm Trọng Nghĩa - Tiền Giang; vụ bà Lưu Thị Phương - Hà Nội; vụ ông Lê Văn Điển - Hà Nội và vụ  bà Vi Thị Yên - Lâm Đồng.

Theo người phát ngôn Bộ Tư pháp, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết khiếu nại, kiến nghị của công dân, thì hiện nay một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cơ quan THADS không thi hành được Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án đó là do ý thức tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án còn hạn chế, tình trạng không chấp hành án có chiều hướng gia tăng.

Về công tác hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, trong quý 3/2016, Bộ Tư pháp đã chỉnh lý, hoàn thiện phần mềm đăng ký khai sinh và cấp Số định danh cá nhân cho trẻ em để tiến hành mở rộng phạm vi thí điểm thêm 13 tỉnh, thành phố; đồng thời kết hợp triển khai thí điểm bước đầu phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung (phiên bản đầy đủ) tại 10 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước giải quyết 1.509 hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam; 06 hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam và trả lời 1.497 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch.

Về công tác nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đã giải quyết 125 trường hợp người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ con nuôi nước ngoài tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Về công tác lý lịch tư pháp, đã tiếp nhận 71.920 thông tin các loại; cung cấp 15.866 thông tin lý lịch tư pháp cho các Sở Tư pháp. Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia đã thực hiện tiếp nhận và thụ lý 77 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và thực hiện cấp 69 Phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam hoặc người Việt Nam không xác định được nơi cư trú. Hỗ trợ 36 Sở Tư pháp thực hiện 21.160 yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp về án tích, góp phần bảo đảm cho việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp đúng và sớm hơn thời hạn Luật định.

 

Về công tác bồi thường nhà nước, trong năm 2016 (từ ngày 01/10/2015 đến ngày 30/9/2016 theo kỳ báo cáo Quốc hội), các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 105 vụ việc (có 53 vụ việc thụ lý mới). Đã ban hành quyết định giải quyết bồi thường và có hiệu lực pháp luật đối với 44/105 vụ việc, đạt tỉ lệ 41.9%, với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 26 tỷ 351 triệu 209 nghìn đồng, còn 61 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.

Bên cạnh đó, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 30 vụ án dân sự (có 16 vụ án thụ lý mới) theo quy định tại Điều 22 Luật TNBTCNN đối với các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường. Đã giải quyết xong 16 vụ việc với số tiền là 27 tỷ 298 triệu 492 nghìn đồng, còn 14 vụ đang tiếp tục giải quyết.

Như vậy, tổng số tiền nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là 53 tỷ 514 triệu 523 nghìn đồng, tăng 10 tỷ 978 nghìn 073 đồng so với năm 2015.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo