Pháp luật

Hơn 100 m3 gỗ từng bị giấu nhẹm

Hơn 100 m3 gỗ được phát hiện hơn nửa năm nhưng lãnh đạo tỉnh và đoàn kiểm tra không được báo cáo. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định: Số lượng gỗ chưa hẳn dừng ở mức 250m3 như báo cáo ban đầu.

Theo báo cáo của lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn (Công ty Hương Sơn), từ tháng 7/2011, Công ty Hương Sơn đã phát hiện tại các tiểu khu 2, 12 và 22 thuộc khe Sinh, xã Sơn Hồng, có hơn 100m3 gỗ bị đốn hạ.

 

Sau khi phát hiện, Công ty báo cáo cho phía Hạt kiểm lâm Hương Sơn và Đồn biên phòng 565. Sự việc được báo cáo lên cấp trên là Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh và Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh để trình lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh.

 

Tuy nhiên, cả ba phía là Công ty Hương Sơn, Hạt kiểm lâm Hương Sơn và Đồn biên phòng 565 lại tiến hành họp kín với lãnh đạo huyện Hương Sơn, sau đó giao lại cho Công ty Hương Sơn tiến hành thu hồi.

 

Sự việc vỡ lở khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhận được thông tin riêng và giao cho lực lượng biên phòng làm tổng chỉ huy việc kiểm tra, thu hồi số gỗ, phát hiện thêm hơn 40m3.

 

“Nhiều lần nhận thông tin từ quần chúng nhân dân, tôi giao cho các lực lượng kiểm tra. Tuy nhiên các lực lượng này lại cho rằng không có vấn đề gì. Khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhận được thông tin đã trực tiếp giao cho lực lượng biên phòng độc lập kiểm tra thì phát hiện thêm 42m3 gỗ. Vậy là sao?”, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Đình Sơn bức xúc.

 

Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, ông Nguyễn Huy Lợi cho biết, từ tháng 9 đến tháng 11/2011, Ủy ban Nhân dân tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hai đoàn thanh kiểm tra, truy quét gỗ ngay tại địa bàn xã Sơn Hồng, thuộc vùng biên giới Việt-Lào.

 

Tuy nhiên, toàn bộ hồ sơ về việc phát hiện hơn 100m3 gỗ từ tháng 7/2011 tại khu rừng đầu nguồn biên giới này bị giấu nhẹm. “Sự việc nghiêm trọng như thế nhưng lãnh đạo tỉnh không được báo cáo, đoàn thanh tra không được cung cấp hồ sơ. Phía công an phải làm rõ động cơ, mục đích của sự việc này”-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhấn mạnh.

 

Kiểm lâm, biên phòng, quản lý rừng ở đâu?

 

Để vào được khu vực rừng đầu nguồn biên giới Việt-Lào bị tàn phá chỉ có một con đường duy nhất và phải qua 3 trạm gác gồm kiểm lâm địa bàn, Đồn biên phòng 565 và Ban quản lý Công ty Hương Sơn.

 

Thế nhưng ngay trên đường, gỗ, lán trại của lâm tặc được dựng, tập kết ngay bên bìa rừng. Để đốn hạ được một lượng gỗ lớn như vậy lâm tặc phải bám trụ nhiều ngày với lực lượng rất đông.

 

Kèm với đó là hệ thống máy cưa, máy tời, trâu bò dùng làm sức kéo. Để chặt hạ hàng trăm khối gỗ mất hàng tháng trời. Tại sao hàng chục cán bộ tại các trạm kiểm soát lại không phát hiện?

 

Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Đình Sơn cho biết, trước mắt phải tập trung cao độ để truy quét và thu hồi số gỗ khai thác bất hợp pháp.

 

“Để sự việc nghiêm trọng xảy ra như thế này không thể đơn giản quy kết trách nhiệm các bên liên quan khi chưa rõ ràng. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã đề nghị Công an tỉnh vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc. Nếu có dấu hiệu hình sự sẽ khởi tố vụ án” – ông Sơn nói.

 

Về việc tại sao lực lượng biên phòng lại được giao làm tổng chỉ huy thu hồi gỗ trái phép mà không phải là lực lượng kiểm lâm, ông Sơn cho biết, đoàn khảo sát ban đầu chỉ có 141m3 gỗ, nhưng khi lực lượng biên phòng tỉnh vào cuộc phát hiện số gỗ lên tới 250m3 gỗ.

 

“Khi các lực lượng huyện thực thi có nhiều lời dị nghị ra vào khác nhau. Lãnh đạo tỉnh thấy băn khoăn khi giao cho các cơ quan chức năng khác làm nên đã giao cho lực lượng biên phòng”, ông Sơn nói.

 

Theo TPO

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo