Hơn 24 tỷ USD vốn FDI 'chảy' vào Việt Nam trong năm vừa qua
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2015, cả nước có 2.120 dự án ĐTNN mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký 16,34 tỷ USD, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2014. Ngoài ra, có 918 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,77 tỷ USD, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong năm 2015, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 1.012 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 16,4 tỷ USD, chiếm 68% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hoà đứng thứ 2 với 10 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 2,79 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,39 tỷ USD, chiếm 9,9% tổng vốn đăng ký.
Xét về đối tác đầu tư, trong năm qua đã có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 6,98 tỷ USD, chiếm 28,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Malaysia đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 2,47 tỷ USD, chiếm 10,2 % tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 1,8 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Đài Loan đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 1,46 tỷ USD, chiếm 6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Xét về địa bàn đầu tư, nếu không kể dầu khí ngoài khơi, trong năm 2015, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 52 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, dẫn đầu về đầu tư nước ngoài là TP. HCM với 4,1 tỷ USD vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm, chiếm 17% tổng vốn đầu tư của cả nước.
Tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 3,66 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư của cả nước. Bình Dương đứng thứ 3 với 3,12 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm. Tiếp theo là các tỉnh/thành phố như Trà Vinh, Đồng Nai, Hà Nội với quy mô vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 2,5 tỷ USD; 1,8 tỷ USD và 1 tỷ USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2015, số lượng các dự án quy mô lớn đầu tư vào Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Cả năm 2015 cả nước thu hút được 4 dự án có quy mô vốn trên 1 tỷ USD, 32 dự án trên 100 triệu USD, 74 dự án trên 50 triệu USD, 363 dự án trên 10 triệu USD. Còn lại là các dự án dưới 10 triệu USD (chiếm 88% tổng dự án cấp mới năm 2015). Quy mô vốn trung bình của dự án ĐTNN trong năm 2015 khoảng 7,9 triệu USD, thấp hơn so với quy mô vốn bình quân dự án ĐTNN nói chung là 14 triệu USD.
Vốn thực hiện của khu vực FDI tại Việt Nam trong năm 2015 ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 11,5% so với kế hoạch năm 2015. Năm 2015, mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vốn giải ngân của khu vực FDI vẫn tăng và vượt kế hoạch đặt ra. Giải ngân dự án FDI đạt được những kết quả trên là do công tác hỗ trợ, thúc đẩy giải ngân các dự án đã được chú trọng hơn. Đồng thời công tác đối thoại chính sách với các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư được đẩy mạnh, phần nào giúp các nhà đầu tư triển khai hoạt động có hiệu quả hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)