Xã hội

Hơn 3.000 người bị ngộ độc thực phẩm chỉ trong 10 tháng đầu năm

Trong 10 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra hơn 100 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm trên 3.000 người bị ngộ độc, trong đó có 9 trường hợp tử vong.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội trong 10 tháng đầu năm 2016, tính từ 17/12/2015 đến 17/10/2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 111 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 3.292 người bị ngộ độc, trong đó 09 trường hợp tử vong.

Hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi sinh vật bởi thời tiết nóng bức gây ra, cùng với đó là một số trường hợp bị ngộ độc do hấp thụ phải hóa chất tồn dư trong thực phẩm.

Ảnh minh họa.

TS-BS Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết ngộ độc thực phẩm hay còn được gọi với tên thông dụng là ngộ độc thức ăn hay trúng thực là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hay thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia... Nhiệt độ nắng nóng là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, nhanh gấp 3 lần so với thời tiết bình thường. Báo Thanh niên đưa tin.
Hơn nữa, chưa bao giờ thực phẩm bẩn trở nên hoành hành như thời gian gần đây nên càng gây ra tâm lý hoang mang, bất an cho người dân. Cụ thể là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi... Bên cạnh đó, chưa kể khi thực phẩm đến các chợ, nhiều tiểu thương còn tiếp tục ướp hóa chất vào lượng thực phẩm tồn lại của buổi sáng để bán lúc chợ chiều nhằm hạn chế tối đa quá trình phân hủy của thực phẩm trong mùa nóng càng khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao. Và dĩ nhiên, nguồn thực phẩm nhiễm hóa chất càng tăng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng nhiều.

Không chỉ vậy, thói quen để thức ăn ngoài không khí nóng quá lâu, ăn uống ngoài đường, vỉa hè, nhất là ở những hàng quán mất vệ sinh, thường xuyên ôm ấp, âu yếm các con vật nuôi, thức ăn không được nấu chín kỹ để tiêu diệt các vi khuẩn, thay vào đó, vi khuẩn có cơ hội nhân lên và phá hủy thức ăn, trái cây và rau quả chưa được rửa sạch đúng cách, nấu đồ ăn với nước bị ô nhiễm, ăn thực phẩm đã hết hạn sử dụng... cũng là những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP cho biết, để kiểm soát thị trường thực phẩm trên thị trường, các Bộ (gồm: Y tế, NN& PTNT, Công thương) phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra tại 12 tỉnh, thành phố là Hà Nam, Lào Cai, TP HCM, Đồng Nai, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đắc Nông, Cần Thơ, Hậu Giang, Khánh Hòa và Bình Định.

Các đoàn sẽ tập trung thanh kiểm tra những vấn đề bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản; đồng thời, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn. Báo Gia đình & Xã hội đưa tin.

Cũng theo ông Nguyễn Hùng Long, việc thanh kiểm tra VSATTP ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng khi phát hiện sai phạm thường chỉ nhắc nhở là chính. Tới đây, khi thanh kiểm tra ATTP, nếu phát hiện địa phương nào bao che cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, Cục ATTP sẽ kiến nghị UBND địa phương đó cách chức ngay cán bộ phụ trách.

Nên đọc
Nguyễn Hà (tổng hợp theo báo Thanh niên, Gia đình & Xã hội)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo