Hơn 90% doanh nghiệp thủy sản cần vay vốn khẩn cấp
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trên 90% doanh nghiệp thủy sản đang có nhu cầu vay vốn khẩn cấp trong quý 2 năm nay. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang đứng trước nguy cơ phá sản, chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu vốn sản xuất. Hàng nghìn công nhân lành nghề đã phải nghỉ việc hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
Thiếu vốn phục vụ sản xuất là tình trạng chung của nhiều công ty chế biến thủy sản. Hàng chục công ty ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang hoạt động cầm chừng với khoảng 1/3 công suất.
Công ty TNHH Thủy sản Hải Kim tại thành phố Hồ Chí Minh là một trong số đó. Hiện công ty chỉ duy trì một số cán bộ chủ chốt để trụ qua giai đoạn này. Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết nhiều năm nay công ty chưa được vay vốn ưu đãi của ngân hàng.
Theo thống kê của VASEP, trong quý 2 này, hơn 90% doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khẩn cấp từ 10 tỷ - 500 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho thu mua nguyên nhiên liệu sản xuất, thức ăn cho vùng nuôi. Nếu không kịp thời được vay vốn, 20% doanh nghiệp thủy sản phá sản trong năm nay, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc hàng nghìn lao động sẽ mất việc làm, cũng như ảnh hưởng thu nhập của các hộ nuôi trồng thủy sản.
Trong khi đó, do lo ngại nợ xấu, nhiều ngân hàng thương mại siết chặt tín dụng. Đa số các doanh nghiệp cho rằng, tài sản của họ có giá trị lớn nhưng các ngân hàng xác định giá trị thường thấp hơn nhiều so với thực tế, cũng như việc yêu cầu minh bạch của một số ngân hàng và thủ tục rườm rà khiến doanh nghiệp nản lòng không tiếp cận được nguồn vốn.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Đồng Tháp cho biết: “Nguồn vốn của ngân hàng vẫn có, ngân hàng với tỉnh đang triển khai cho các doanh nghiệp tiếp cận. Các ngân hàng nói doanh nghiệp phải đủ điều kiện thì mới giải quyết cho vay, trong khi doanh nghiệp đang cần vốn rơi vào một số doanh nghiệp gặp khó khăn. Cho nên điều kiện của ngân hàng đưa ra đôi khi các doanh nghiệp này không đảm bảo được”.
Việc Nhà nước điều chỉnh mức trần lãi suất dưới 15% từ đầu tháng 5 là một tin vui với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thủy sản nói riêng. Các ngân hàng cần tiếp tục lược bớt thủ tục hành chính để tạo kiện cho doanh nghiệp được vay vốn kịp thời.
Mới đây, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết số 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh hỗ trợ thị trường. Theo đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn; tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay; ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ./.
Theo VOV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm