Hơn nửa số phụ nữ kết hôn từng bị bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra
Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, là một vấn đề mang tính toàn cầu, xảy ra ở mọi xã hội, trong đó có Việt Nam. Các hình thức bạo lực phổ biến bao gồm: bạo lực thể xác, bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và mua bán người… Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình cho thấy 58% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 60 đã từng kết hôn cho biết họ từng bị bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra ít nhất một lần.
Mặc dù vậy, 50% nạn nhân là nữ giới chưa từng tiết lộ cho ai biết việc mình bị bạo hành; 87% nạn nhân chưa bao giờ viện đến sự trợ giúp của chính quyền hoặc các dịch vụ trợ giúp chính thức. Phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là nạn nhân chủ yếu của bạo lực gia đình mà còn có nguy cơ bị mua bán, lạm dụng và xâm hại tình dục ở các môi trường khác ngoài gia đình.
Theo thống kê của Bộ Công an (2013), trong khoảng thời gian từ 2012 đến Quý I năm 2013, có 550 vụ mua bán người được phát hiện với 1080 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. Trong 05 năm từ 2008 đến 2012, có 5.960 vụ lạm dụng tình dục trẻ em gái và cưỡng hiếp phụ nữ được phát hiện trên toàn quốc. Mối lo ngại lớn nhất là tình trạng lạm dụng và bạo lực tình dục đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.
Theo kết quả khảo sát 2.046 người của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, 31% nữ sinh đã từng bị quấy rồi tình dục trên xe buýt.
Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố vào năm 2010 cho thấy, tác động của bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam không chỉ giới hạn ở cấp độ cá nhân và còn ảnh hưởng tiêu cứu đến sự phát triển kinh tế đất nước.
Tổng chi phí thiệt hại đối với cá nhân do bạo lực gia đình (chi phí trực tiếp, mất thu nhập do phải nghỉ việc) chiếm 1,41% tổng GDP năm 2010. Hơn nữa phụ nữ bị bạo lực có thu nhập thấp hơn 35% so với phụ nữ không bị bạo lực. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của cả nước.
Tổn thất về năng suất lao động do bạo lực gia đình gây ra đối với phụ nữ ước tính ở mức 1,78% GDP của Việt Nam năm 2010, song các tổn thất về mặt xã hội còn cao hơn vì bạo lực trên cơ sở giới có tác động lớn tới sự gắn kết và khả năng chống chịu của các cộng đồng, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và các nỗ lực xóa đói giảm nghèo.
Các nguyên nhân của bạo lực trên cơ sở giới bắt nguồn từ bất bình đẳng giới và thường do vai trò lấn át của nam giới. Phụ nữ thường xuyên phải chịu những tổn thương về tình cảm, tinh thần và thể chất.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hôn nhân, bạo lực trên cơ sở giới trong quan hệ gia đình rất hiếm khi được nhận biết do bị che phủ bởi những mong đợi truyền thống mang tính văn hóa, những quy tắc chuẩn mực, những tiêu chuẩn đạo đức liên quan đến giới cũng như hệ tư tưởng gia trưởng trong xã hội. Ví dụ nam giới phải là trụ cột gia đình, phải lo kinh tế gia đình; phụ nữ phải lo toan việc nhà…
Tất cả những điều này đã làm cho bạo lực trên cơ sở giới trở nên “bình thường”. Do đó, mặc dù trên cơ sở pháp lý, phụ nữ được bảo vệ, nhưng trên thực tế vị thế của phụ nữ vẫn luôn thấp hơn nam giới do những mong đợi xã hội về giới còn phổ biến. Những nhân tố trên đã góp phần tạo nên một thực trạng: sự thống trị của nam giới và bạo lực với phụ nữ dường như là điều không thể tránh khỏi .
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều bước tiến trong việc xây dựng khung pháp lý và chính sách phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ nạn nhân và trừng phạt các hành vi bạo lực trên cơ sở giới.
Bên cạnh đó, các chiến lược, chương trình, chính sách can thiệp đã được ban hành hỗ trợ cho việc thực hiện các khung pháp lý nêu trên
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khoảng trống về cơ chế, chính sách và chương trình biện pháp can thiệp trong thực hiện phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.
Về cơ chế, chính sách, các chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới còn quy định rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chưa hệ thống. Chưa có định nghĩa, quy định chi tiết về các biểu hiện cụ thể của hành vi bạo lực trên cơ sở giới.
Quy định xử phạt trong khung hình phạt vi phạm của luật phòng chống bạo lực gia đình còn rộng. Việc thiếu vắng các định nghĩa rõ ràng dẫn đến khó áp dụng quy định của pháp luật trong xử phạt; Nhiều vụ việc vi phạm chưa được cộng đồng phản ứng mạnh mẽ hoặc bị xử lý nghiêm minh nên chưa có tác động răn đe
Đặc biệt chưa có quy định chính thức về cơ quan chịu trách nhiệm chính trong vai trò quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm giải trình về bạo lực trên cơ sở giới nói chung
Các chương trình can thiệp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam còn trong giai đoạn thí điểm và triển khai chưa đồng bộ, hạn chế về nguồn lực; một số mô hình và hoạt động còn trên qui mô nhỏ, không đáp ứng kịp nhu cầu thực tiễn
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Vấn đề cần thiết hiện nay là phải xây dựng một chương trình tổng thể về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó làm rõ trách nhiệm giải trình và kết nối chặt chẽ các bên liên quan nhằm xây dựng và triển khai các biện pháp can thiệp một cách tổng thể, đồng bộ và kịp thời”.
Căn cứ vào bối cảnh thực tế tại Việt Nam và các khuyến nghị gần đây của Liên hợp quốc về việc xác định các nội dung ưu tiên cho công tác thúc đẩy bình đẳng giới, cụ thể như đề cập trong Kết luận của Phiên họp thứ 57 và 58, Ủy ban về địa vị của phụ nữ Liên hợp quốc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất xây dựng Đề án phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 -2020 tầm nhìn 2030 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2015.
Kết quả việc triển khai xây dựng Đề án phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới sẽ góp phần thực hiện một cách hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, cũng như giúp Việt Nam hoàn thành các cam kết đối với các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, CEDAW và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh.
Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc UNFPA tại Việt Nam cho rằng “việc có được một tầm nhìn xa về vấn đề bạo lực dựa trên cơ sở giới, bao gồm cả bạo lực gia đình là hết sức cần thiết để giải quyết bạo lực trên cơ sở giới trong mọi hình thức. UNFPA hợp tác với UN Women và các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực trong các hoạt động, hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các đối tác phát phát triển và tổ chức xã hội, để nâng cao vị thế của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.
Bạo lực trên cơ sở giới đang được đánh giá là một chỉ số quan trọng trong theo dõi việc đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 3 về bình đẳng giới tại Việt Nam, chúng tôi ưu tiên các nỗ lực để giải quyết vấn đề này trong những năm sắp tới”.
Nguyễn Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo