Tài chính - ngân hàng

Hồng Kông tăng đầu tư vào dệt và bất động sản Việt Nam

Năm 2014, Hồng Kông đã vượt qua các nhà đầu tư lớn lâu nay như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan... để chiếm vị trí thứ hai sau Hàn Quốc trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, đáng chú ý là trong lĩnh vực bất động sản và dệt nhuộm.

Các tập đoàn lớn của Hồng Kông đang tăng đầu tư vào dệt nhuộm Việt Nam

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ nguồn đầu tư của các doanh nghiệp Hồng Kông. Tính từ đầu năm đến ngày 15/12, Hồng Kông có 99 dự án cấp mới và 23 lượt dự án tăng vốn, nâng tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm của doanh nghiệp Hồng Kông lên trên 3 tỷ USD trong năm 2014.

 
Lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Hồng Kông có 869 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 15,46 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô vốn bình quân 1 dự án của Hồng Kông là 17,8 triệu USD/dự án, cao hơn so với mức bình quân chung 1 dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 14,3 triệu USD/dự án.
 
Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư Hồng Kông liên tục mở rộng, đầu tư thêm hàng loạt dự án mới tại Việt Nam trong lĩnh vực dệt may. Chẳng hạn Tập đoàn Huafu đầu tư 136 triệu USD xây dựng nhà máy nhuộm - sợi tại khu công nghiệp Thuận Đạo, tỉnh Long An, với công suất mỗi năm nhuộm 20.000 tấn bông và sản xuất 30.000 tấn sợi. Gần đây nhất, dự án Công ty liên doanh Nam Phương Textile có tổng vốn đầu tư 120 triệu USD tại khu công nghiệp Việt Hương 2, tỉnh Bình Dương, chuyên sản xuất gia công kéo sợi, dệt nhuộm, in ấn, thành phẩm may mặc.
 
Theo các chuyên gia, việc nhiều nhà đầu tư của Hồng Kông tăng cường đầu tư vào các dự án dệt nhuộm ở Việt Nam là nhằm đón đầu cơ hội Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bởi khi đó, sản phẩm xuất khẩu của họ sẽ hưởng mức thuế suất nhập khẩu 0% tới các nước thành viên. Ông Marcus Ip, Tổng giám đốc của Công ty TNHH liên doanh Nam Phương Textile cho biết, dự kiến toàn bộ các sản phẩm của công ty sẽ xuất khẩu đi thị trường Mỹ và Nhật khi TPP được ký kết sẽ được hưởng lợi về thuế quan. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh ngày cành khốc liệt do quá trình tự do hóa thương mại diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn.
 
“Việt Nam cũng đã kết thúc đàm phán FTA với Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan và sẽ tham gia vào một thị trường chung của ASEAN năm 2015, tạo thêm niềm tin cho việc tăng trưởng xuất khẩu của các nhà đầu tư FDI trong tương lai”, ông Marcus Ip cho hay.
 
Cùng với dệt nhuộm, lĩnh vực phát triển hạ tầng, bất động sản cũng đã thu hút nhiều vốn của doanh nghiệp Hồng Kông. Đáng chú ý là dự án Công ty TNHH Dewan International với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,25 tỷ USD nhằm xây dựng, phát triển toàn bộ khu vực bãi biển chính của thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
 
Giới phân tích cho rằng, Việt Nam đang ở giai đoạn hấp dẫn sau khi thị trường bất động sản vừa “chạm đáy” và có dấu hiệu phục hồi, trong khi nhiều thị trường khác ở châu Á lại nằm ở đỉnh của chu kỳ, và có thể giảm trong vài năm tới. Điều này rất thuận lợi với các nhà đầu tư Hồng Kông vì thị trường bất động sản của Hồng Kông đang giảm mạnh, và lý giải vì sao Sun Wah, Quỹ Warburg Pincus, Texhong... đang rót thêm hàng trăm triệu USD vào bất động sản Việt Nam.
 
Việc gia tăng đầu tư của Hồng Kông vào lĩnh vực bất động sản cũng nằm trong xu thế chung của dòng chảy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này ở Việt Nam năm 2014. Tính đến 15-12-2014, lĩnh vực bất động sản thu hút 2,54 tỷ USD, gấp 2,7 lần so với năm 2013,chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký./.
Theo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo