Hộp đen: Quy định chặt, quản lý lỏng
Hộp đen được các đơn vị cung cấp giới thiệu là có nhiều tính năng ưu việt, đáp ứng các quy định ngặt nghèo của ngành chức năng. Tuy nhiên, đến nay ngành chức năng cũng chưa có phương án, chế tài để xử lý việc hộp đen có hoạt động thường xuyên hay không. Có trường hợp hộp đen lỗi, ô tô đang chạy ở Hà Nam bỗng dưng dữ liệu thể hiện xe vụt sang Quảng Tây (Trung Quốc).
Quy định chặt…
Hiện có hàng trăm đơn vị sản xuất, kinh doanh thiết bị giám sát hành trình (GSHT, gọi tắt là hộp đen) và đều trưng ra các văn bản quy định, cấp phép của cơ quan chức năng như Bộ GTVT, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lượng chất lượng (Bộ KHCN). Các đơn vị này còn thông tin chi tiết về các tính năng, tiện ích của hộp đen như: Định vị vị trí, tốc độ, hướng di chuyển, trạng thái xe với thời gian thực; Lưu trữ lộ trình 3-6 tháng, xem lại lộ trình của xe; Tra cứu nhóm xe, tên xe, ghi danh lái xe; Báo cáo quãng đường đi, dừng, chạy, vị trí, tốc độ; Định mức và theo dõi xăng/dầu, hiệu suất khai thác của từng xe; Cảnh báo tốc độ, SOS…
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho hay, Bộ GTVT đã cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn cho các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, lắp ráp hộp đen phù hợp với Quy chuẩn QCVN 31/2011/BGTVT cho hơn 50 đơn vị cung cấp. Bộ cũng đang sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn QCVN 31/2011/BGTVT cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý.
Còn theo Kết quả theo dõi từ máy chủ thuộc Trung tâm Giám sát hành trình (Tổng cục ĐBVN), sau một tháng hoạt động đã soi được 12.700 phương tiện vi phạm về tốc độ, với tổng số hơn 500.000 lần vi phạm. Những địa phương có số lần vi phạm tốc độ nhiều nhất là TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Thuận… Trung tâm Giám sát hành trình cũng cho biết có 8.300 lần lái xe vi phạm chạy liên tục trên 4 giờ, đặc biệt có tới 2.300 lần tài xế lái xe liên tục trên 10 giờ.
…Quản lý lỏng
Theo Thông tư 23 ngày 26/8/2013 của Bộ GTVT quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ hộp đen của xe ô tô thì các thông tin bắt buộc phải được truyền dẫn đầy đủ, liên tục và chính xác về Tổng cục ĐBVN. Dữ liệu từ thiết bị GSHT sẽ được sử dụng để theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử lý phương tiện vi phạm. Sở GTVT các tỉnh, thành định kỳ trích xuất dữ liệu từ hộp đen để thực hiện xử lý các lỗi vi phạm như: Thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải; Đình chỉ khai thác tuyến; thu hồi phù hiệu, biển hiệu xe…
Mặc dù quy định rất ngặt nghèo, nhưng hiện nay chưa có chế tài xử lý hay ràng buộc trách nhiệm đối với nhà cung cấp hộp đen, cũng không rõ ai là người theo dõi hàng nghìn chiếc hộp đen xem có hoạt động 24/24h không? Ngoài ra, hộp đen gắn trên xe được dán tem niêm phong từ các trạm đăng kiểm, do đó khi hộp đen hỏng hóc, tài xế và chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải không thể tự ý tháo dỡ để khắc phục mà phải chờ tới khi hết hạn đăng kiểm, đi đăng kiểm lại mới được phép sửa chữa.
Cụ thể hơn, ông Phạm Quốc Bình, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2905V - Hà Nội cho biết, như khi phương tiện chạy đến khu vực không có sóng di động thì không thể biết được hộp đen có tín hiệu hay không, hoặc khi trở về khu vực có sóng, nó có nạp dữ liệu hay không. Trên xe ô tô, hộp đen được kết nối trực tiếp với nguồn điện từ ắc quy và không được lắp công tắc tắt - mở.
Ông Bình cho biết thêm, các trạm đăng kiểm chỉ có chức năng kiểm tra thiết bị tại thời điểm đơn vị kinh doanh vận tải đưa xe đến đăng kiểm. Nếu thiết bị hoạt động bình thường thì cho qua, không hoạt động thì sẽ đề nghị chủ phương tiện khắc phục, khi nào hoạt động trở lại mới làm thủ tục đăng kiểm.
“Có trường hợp thuê bao di động (GPS) hết tiền, chủ phương tiện phải nộp tiền để nhà mạng kích hoạt trở lại thì chúng tôi mới cho qua. Còn sau đăng kiểm, hộp đen có hoạt động hay không thì đơn vị đăng kiểm không có trách nhiệm và cũng không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý” – ông Bình nói.
Nhiều lỗi hộp đen
Bên cạnh đó, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, sau 2 năm đưa hệ thống định vị và giám sát hành trình ô tô vào hoạt động đến nay, nhiều thiết bị hoạt động không ổn định, tín hiệu chập chờn.
“Hộp đen trước khi sản xuất phải được Bộ GTVT cấp phép, khi ra thị trường còn chịu sự kiểm định của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, vậy chất lượng kém do đâu. Đây là lỗ hổng và là trách nhiệm của cơ quan quản lý, chứ không thể đổ lỗi cho ai khác được” - ông Liên nói.
Cũng theo ông Liên, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải chỉ biết mua thiết bị để lắp ráp theo quy định, lắp xong đơn vị cung cấp kiểm tra trên hệ thống giám sát hộp đen hoạt động là được, còn sau đó có hoạt động nữa hay không thì chịu. Ngoài ra, hộp đen sử dụng tín hiệu vệ tinh, giống như sử dụng điện thoại di động, có lúc được lúc không, có nhiều xe cứ đến một vị trí tuyến đường thì mất tín hiệu, ông Liên cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đôi lúc hộp đen còn xuất hiện những lỗi ‘ngớ ngẩn”. Tại Hợp tác xã Vận tải Thăng Long (Hà Nội), có trường hợp tài xế đã đưa xe về tới Hoàng Mai (Hà Nội) nhưng khi kiểm tra trên hệ thống quản lý giám sát thì phương tiện vẫn nằm tại… Yên Bái. Hoặc có trường hợp xe đang chạy ở Đồng Văn, Phủ Lý (Hà Nam) bỗng dưng vọt sang Quảng Tây (Trung Quốc), hành trình cả đi lẫn về hết có hơn… 8 phút!
Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo