Hợp tác nhà nước và tư nhân - PPP (Public - Private Partner) là mô hình hợp tác mà nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng.
Ở Việt Nam trong điều kiện thiếu vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng và việc quản lý một số công trình chưa hiệu quả thì mô hình hợp tác nhầ nước và tư nhân PPP ( còn gọi là hợp tác công tư) cũng được đánh giá là sẽ có tác dụng huy động được tài chính và cách thức quản lý của khu vực tư nhân nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và mở rộng mạng lưới dịch vụ cơ sở hạ tầng đang có nhiều khó khăn bất cập. Và thực tế hàng chục dự án đã và đang được ứng dụng mô hình đầu tư này.
PPP nhìn từ chiều ngược ở CHLB Đức – quốc gia phát triển nhất Châu Âu.
Tháng 12 -2012, trong chuyến công tác đến Berlin, CHLB Đức, chúng tôi làm việc với các chuyên gia về PPP ở Berlin của CHLB Đức, có một câu chuyện sống động đã được chuyên gia trường Đại học tổng hợp Potsdam đưa ra như một ví dụ về mặt trái của dự án PPP. Đó là sau một thời gian công trình đường cao tốc liên tỉnh được xây dựng theo mô hình PPP được hoàn thiện và đi vào khai thác sử dụng, công ty tư nhân được quyền điều hành dịch vụ con đường này đã bỏ bê chất lượng dịch vụ, đến mức đi trên đoạn đường cao tốc liên tỉnh 600 km này thời gian lên đến 9 giờ đồng hồ, chậm hơn hơn 4 tiếng so với trước. Nguyên nhân được công ty tư nhân giải trình là mức phí được phép thu của các phương tiện quá thấp nên không đủ trang trải và nâng cấp con đường. Vị giáo sư chuyên gia này giải thích với chúng tôi rằng đó chỉ là lý do để công ty đòi tăng mức phí của dân mà thôi.
Một ví dụ khác cũng rất thực tế phản ánh chiều ngược của hiệu quả của dự án hợp tác công tư mà trong đó cũng chính người dân sử dụng dịch vụ phải hứng chịu dịch vụ kém chất lượng. Đó là dự án dịch vụ đường sắt nhanh của Berlin. Chuyện cũng là sau khi hoàn thành và được đưa vào sử dụng, chất lượng dịch vụ vận chuyển đường sắt này kém dần. Là dịch vụ đường sắt nhanh nhưng người dân phải đứng chờ tàu tại các bến ga hàng giờ trong giá lạnh tuyết rơi mà tàu thì vô cùng chậm chạp, chậm giờ, luôn bỏ chuyến, bỏ bến khiến người dân bất bình và biểu tình phản đối.
Câu chuyện này gần như mọi người dân Berlin đều biết bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ. Đây cũng là câu chuyện nổi tiếng CHLB Đức bởi Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty điều hành dịch vụ đã phải lên truyền hình để giải trình về những bê bối chất lượng đó. Thế nhưng đáng chú ý là lý do mà công ty này đưa ra cũng là do bánh xe có lỗi khi bị sản xuất nên công ty phải thay, nhưng kinh phí hạn hẹp nên chỉ có thể thay dần dần ( và chậm trễ là đương nhiên ?)
Nhìn vào hiệu quả hai chiều các dự án PPP ở Berlin, thấy rằng ở chiều tích cực là tận dụng được nguồn vốn ở chiều ngược thì còn có điều chưa ổn.
Đường hầm chui qua đáy sông Trave ở miền bắc CHLB Đức được giao cho Công ty tư nhân xây dựng để thay thế cho cây cầu cũ kỹ bắc qua sông ở đây đã có từ những năm 1900. Đường hầm được khởi công năm 2011, rất nhanh đến tháng 8 năm 2005 đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhưng cũng từ đó, phí qua hầm luôn tăng, gần nhất là mức tăng mới được áp dụng từ ngày 1-3-2013. Hay giá nước sinh hoạt sau 5 năm thực hiện PPP, mức tăng là 20%. Trong khi đó chất lượng dịch vụ lại đi xuống (như chất lượng đường cao tốc và tàu nhanh đã nói).
Trước khi tôi tham quan một doanh nghiệp đang tham gia vào mô hình hợp tác công tư PPP của Đức, một chuyên gia về vấn đề này đã cảnh báo nhỏ chúng tôi rằng không nên tin tất cả những gì tốt đẹp họ nói, bởi họ sẽ chỉ toàn nói những điều tốt đẹp mà thôi. Có vẻ như rất nhiều người Đức đã nếm trải hiệu quả ngược của dịch vụ của PPP nên vô cùng cảnh giác.
Trả lời câu hỏi của tôi rằng với những bất lợi đang diễn ra như thế, liệu rằng CHLB Đức và riêng Berlin sẽ tiếp tục áp dụng mô hình này hay sẽ thu hẹp lại, Giáo sư - tiến sỹ Chistoph Reichard cho biết, các dự án PPP thường có thời gian dài, từ 30 năm trở lên, trong khi các dự án ở Đức cũng chỉ mới được thực hiện khoảng 5 năm trở lại đây, nên cũng khó mà rút ra được kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, trước mắt Berlin cũng đã phải nghĩ đến việc thu hồi một vài dự án để trả lại cho nhà nước quản lý. Một số nước ở Châu Âu cũng đang trong tình trạng tương tự. Vị giáo sư này ví hiện tượng này như một quả lắc giao động theo kiểu đang từ nhà nước chuyển cho tư nhân, không có lợi, lại quay trở về trả cho nhà nước, đang lắc qua lắc lại như vậy mà chưa chốt được.
PPP trong lịch sử thế giới
Theo các tài liệu về PPP đã được công bố, tại Nhật Bản có hai lĩnh vực mà mô hình PPP có thể phát huy hiệu quả là các dự án không thể hoặc khó áp dụng phương pháp cổ phần hóa và các dự án mà nhà nước không thể tham gia trực tiếp. Chủ yếu đó là các dự án về sản xuất và phân phối điện, xây dựng đường cao tốc, dịch vụ giao thông đô thị, dịch vụ cảng, cấp nước và các dịch vụ công cộng. Được biết “mô hình PPP đã được áp dụng trong việc xây dựng các kênh đào tại Pháp vào thế kỷ 18, các cây cầu ở London vào thế kỷ 19 hay cây cầu Brooklyn nổi tiếng ở New York cũng vào thế kỷ 19. Tuy nhiên, mô hình này chỉ thực sự bắt đầu phổ biến trên thế giới từ khoảng năm 1980 và đóng một vai trò nhất định trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước phát triển.”
Chính phủ dù bất cứ nước nào, đều không thể cáng đáng được toàn bộ việc đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, và cũng không riêng nhà đầu tư tư nhân nào có thể làm được việc này vì đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, trong khi có hiệu quả kinh tế thấp và nhiều rủi ro. Vì thế PPP là một giải pháp đáng chú ý.
PPP ở Việt Nam
Chính sách về Hợp tác công tư của nước ta đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành từ năm 2010 và chính thức có hiệu lực từ 15-1-2011. Theo thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, cho đến nay ta đã có khoảng hơn ba chục dự án PPP và bước đầu mang lại hiệu quả về huy động vốn và cách thức quản lý. Tuy nhiên, cùng với đón nhận cái mới cũng nên nhìn vào việc ứng dụng và vận hành mô hình này của thế giới để có thể có những kinh nghiệm ứng dụng hiệu quả nhất trong khi tránh được những bất lợi.
Có năm hình thức PPP phổ biến trên thế giới hiện nay và cũng đã và đang được chúng ta ứng dụng. Một là nhượng quyền khai thác. Hai là thiết kế - xây dựng - tài trợ - vận hành DBFO (Design- Build - Finance - Operate). Ba là xây dựng - vận hành - chuyển giao BOT (Build - Operate - Transfer) (đang khá phổ biến ở nước ta). Bốn là BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành. Và năm là xây dựng - sở hữu - vận hành BOO (Build - Own - Operate). Ở mô hình BOO này, công ty thực hiện dự án đứng ra xây dựng công trình, sở hữu và vận hành công trình – đang được áp dụng rất phổ biến đối với các nhà máy điện cả ở nước ta và trên thế giới.
Có điều, PPP trên thế giới đang xảy ra hiện tượng con lắc, cứ lắc qua lắc lại như giáo sư của Đại học Tổng hợp Potsdam đã nói./.
Lý Thái Phương
End of content
Không có tin nào tiếp theo