Pháp luật

Hợp tác xã có là doanh nghiệp?

Đó là vấn đề nổi cộm, được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới trong phiên họp toàn thể sáng nay (19/6) thảo luận về Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi

Theo Luật Hợp tác xã ban hành năm 2003 xác định rõ hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, luật được thể chế hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về kinh tế tập thể. Đồng thời theo quy định tại Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2005 hợp tác xã có đầy đủ các tính chất, các thành tố của một doanh nghiệp. Đó là tài sản riêng, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.



Theo đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cần phải khẳng định rõ hợp tác xã có bản chất khác với doanh nghiệp, vì doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường đại chúng nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận, cho doanh nghiệp là chủ sở hữu. Trong khi đó hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể do các thành viên có chung nhu cầu, lợi ích, tự nguyện lập ra.


Theo đó, thành viên hợp tác xã vừa là người góp vốn, trở thành chủ sở hữu, vừa là người sử dụng sản phẩm dịch vụ hợp tác xã. Bản chất hợp tác xã thể hiện ở mục đích hoạt động vì lợi ích thành viên khác với doanh nghiệp hoạt động có mục đích tối đa hóa lợi nhuận.


“Về mặt kinh tế hợp tác xã đóng góp không nhiều nhưng chúng ta cũng phải nhận thấy rằng hợp tác xã có tính xã hội, hiệu quả xã hội rất cao, đó thực sự là nhân tố xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường nước ta”, đại biểu Lê Đắc Lâm nói thêm.



Bổ sung ý kiến này, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, phải khẳng định trước hết hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể, nhưng bản chất của nó phải mang tính chất của một doanh nghiệp, mang tính chất xã hội. Nếu chúng ta không khẳng định được tính chất kinh tế ở bản chất một doanh nghiệp thì sự vào cuộc và nhu cầu kinh tế-xã hội của nhân dân để hợp tác với nhau sẽ có vấn đề.



Tuy nhiên, đại biểu Đinh Huy Chiến (Thái Nguyên) lại có ý kiến khác. Theo đại biểu Đinh Huy Chiến, ngoài việc đáp ứng tốt nhu cầu của thành viên hợp tác xã cũng như doanh nghiệp phải có tư duy kinh tế, phải tận dụng tối đa các nguồn lực của mình để phục vụ cộng đồng.

 

Do vậy, nếu nhấn mạnh đến mục tiêu thành viên mà quên đi mục tiêu của một tổ chức kinh tế là phải kinh doanh có hiệu quả, có lợi nhuận cao là không đầy đủ, thiếu tính thuyết phục. Bất kỳ hợp tác xã nào không chú ý đến hiệu quả kinh doanh thì không nâng cao được chất lượng phục vụ thành viên.

 

“Không xác định hợp tác xã là doanh nghiệp lại tác động rất lớn đến tư duy kinh tế của hợp tác xã, đưa hợp tác xã về gần hơn với tổ chức xã hội, mất đi động lực phát triển theo chiều sâu, cuối cùng chất lượng phục vụ của thành viên không được nâng cao”, đại biểu Đinh Huy Chiến nhấn mạnh.


Cũng về vấn đề xét rõ khái niệm về Hợp tác xã, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) đưa ra một góc nhìn tổng quan hơn. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 4 quy định ít nhất là 7 thành viên tự nguyên thành lập theo quy định của luật này. Muốn thành lập hợp tác xã thì ít nhất phải có 7 thành viên.

 

“Tôi thống nhất về số lượng nhưng tôi còn băn khoăn về cơ cấu thành viên. Ví dụ, một hợp tác xã có 7 thành viên thì bao gồm cá nhân, hộ gia đình và tổ chức thì điều này không có gì phải bàn.

 

Nhưng hợp tác xã có 7 thành viên mà 7 thành viên đó là tổ chức mà tổ chức là doanh nghiệp thì tôi e rằng trong quá trình hoạt động sẽ dễ dẫn đến sai lệch về bản chất hợp tác xã. Vì bản chất của doanh nghiệp là chạy theo lợi nhuận và tối đa hóa lợi nhuận, còn bản chất hợp tác xã là tối đa lợi ích của xã viên, không chạy theo lợi nhuận, chỉ phục vụ tối đa hóa lợi ích xã viên để tối đa lợi nhuận của mỗi thành viên hợp tác xã” – đại biểu Phạm Hồng Phong đặt vấn đề và kiến nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu và quy định rõ về vấn đề này.

 

Theo ĐV

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo