Thị trường

Hợp tác xã khó vay vốn

Chỉ có khoảng 1% các hợp tác xã có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng, riêng với lĩnh vực nông nghiệp con số này còn thấp hơn rất nhiều.

Điểm nghẽn trong hoạt động của các hợp tác xã và tìm lời giải cho việc tiếp cận vốn là hai câu chuyện chính trong buổi hội thảo chiều ngày 4/5 của Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam. 

Theo báo cáo của Liên hiệp Hợp tác xã, tình hình tự lực vốn và tiếp cận vốn tín dụng của các hợp tác xã đang gặp nhiều khó khăn. Các hợp tác xã phổ biến chỉ có khả năng tự lực vốn ở mức dưới 20%, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng rất hạn chế do không có tài sản đảm bảo.

Ảnh minh hoạ.

"Chỉ có khoảng 1% trên tổng số hơn 20.000 hợp tác xã có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng", ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cho biết. Tuy nhiên, theo vị này tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp có khả năng tiếp cận vốn, thậm chí còn thấp hơn.

Khó khăn của các hợp tác xã là không có tài sản để thế chấp, cầm cố vay vốn, nếu có thì giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất chưa đảm bảo tính pháp lý. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa có khả năng xây dựng phương án kinh doanh, dự án khả thi dẫn tới việc không đưa được phương án sử dụng vốn hiệu quả.

"Hoạt động trên nguyên tắc bảo toàn vốn và đảm bảo khả năng sinh lời là lý do khiến các tổ chức tín dụng thường rất 'sợ' các hợp tác xã", ông Bằng nói và cho biết nguồn hỗ trợ gần như duy nhất là Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. 

Theo báo cáo của Liên hiệp Hợp tác xã, hiện cả nước có một quỹ hỗ trợ trung ương và 43 quỹ địa phương trực thuộc các liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố. Tuy nhiên vốn hoạt động của các quỹ vẫn còn khá khiêm tốn.

Quỹ hỗ trợ trung ương có vốn tự có là 136 tỷ đồng, còn 43 quỹ địa phương có tổng vốn chỉ hơn 1.500 tỷ đồng.

 

Theo Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã, ông Nguyễn Ngọc Bảo, giải quyết bài toán này không chỉ đơn thuần là việc đưa vốn cho các hợp tác xã. Ngoài điểm nghẽn về vốn, hoạt động của các hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn như hạn chế về nhân lực, quy mô sản xuất còn nhỏ, khả năng áp dụng công nghệ và xúc tiến thương mại còn hạn chế. Theo đó, giải pháp được đưa ra là phải chuyển đổi mô hình hoạt động.

"Định hướng của liên minh hợp tác xã là phải phát triển các hợp tác xã để có thể tự tiếp cận các nguồn vốn, từ tín dụng cho tới ngoài xã hội. Một trong các biện pháp là xây dựng sản xuất theo chuỗi giá trị", ông Bảo cho biết.

Theo đó, Liên hiệp Hợp tác xã dự kiến sẽ tài trợ vốn từ 225 đến 250 triệu đồng cho mỗi mô hình để làm bước đệm ban đầu. Bao gồm việc đào tạo nhân lực, trang bị công cụ, tìm nhà tư vấn, làm thương hiệu, xúc tiến thương mại và ký kết các hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp.

"Với nhu cầu lớn từ nền kinh tế, cách làm này chỉ cần vốn mồi ban đầu và các hợp tác xã sau đó có thể tự thu hút các nguồn lực khác để hoạt động", ông Bảo nói và nhấn mạnh việc sản xuất nếu không theo mô hình chuỗi sẽ rất khó có thể thành công.

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo