Hưng Yên: Khập khiễng giá thuê đất công nghiệp
(congthuong) Để thu hút các DN vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp (CN) hỗ trợ, công nghệ cao, những năm qua Đảng, nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ Việt Nam. Để tạo thuận lợi cho các DN đang hoạt động trong lĩnh vực trên, tới đây, Chính phủ Nhật Bản đang có phương án đưa nguồn vốn đó đi thẳng vào DN đủ điều kiện, không qua các khâu trung gian, mất thêm phần chi phí không thực tế.
Ông Hoàng Minh Trí - Giám đốc Công ty TNHH 4P cho biết, năm 2001, công ty thuê 5 ha đất tại Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và cung cấp các vỉ mạch chính, vỉ mạch phụ cho các thiết bị điện tử với 3 dây chuyền cắm vỉ tự động, 4 dây chuyền cắm vỉ tay, 4 dây chuyền SMT và 1 dây chuyền hoàn thiện sản phẩm, được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam. Đại diện các bộ, ngành đến tham quan, đánh giá là đơn vị đạt công nghệ cao, lại làm ăn với Nhật Bản nên đủ điều kiện hưởng và vay vốn ưu đãi.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, để vay được vốn ưu đãi phải qua nhiều cửa, nếu vay được cũng mất chi phí khâu trung gian nhiều, khiến DN không mặn mà. "Đây là điều bất cập trong việc quản lý" - ông Trí nói.
Cùng với đó, với thủ tục thuê đất tại Hưng Yên, năm 2001, 4P ký hợp đồng thuê đất với thời gian là 36 năm, giá 3.000đ/m2 đất/năm. Theo quy định của tỉnh Hưng Yên, cứ sau 5 năm lại điều chỉnh 1 lần và tính theo giá thị trường. Tới năm 2013, 4P đến hạn điều chỉnh hợp đồng nên phải tính giá hiện tại lên tới 26.000đ/m2 đất/năm.
Ngược lại, đối với các DN nước ngoài đầu tư vào đây, nếu DN có điều kiện có thể thanh toán 1 lần trong tổng hợp đồng và còn được trừ phần trăm. Trong khi đó, DN nội lại bị đối xử khác nên giá đội lên cao, khiến DN đã khó càng khó thêm.
Đại diện Tập đoàn Tân Á Đại Thành chia sẻ: Đơn vị thuê đất xây nhà máy sản xuất tại Hưng Yên từ năm 2004, giá thuê ban đầu là 3.500, đến nay điều chỉnh lên tới 15.000 (tùy vị trí đất tỉnh quy định) theo giá thị trường. Tới năm 2010 có chính sách miễn giảm tiền thuê đất 50% đơn giá sau khi tăng, nhưng chỉ áp dụng từ năm 2010.
Trên thực tế, tới năm 2009, tập đoàn đã đến hạn điều chỉnh hợp đồng nên không được hưởng chế độ miễn giảm 50%. Tập đoàn đã gửi đơn lên UBND tỉnh vài lần đề nghị xem xét, nhằm kéo dài thời gian thuê, như: Điều chỉnh chính sách miễn giảm tiền thuê đất trước năm 2008 và 2009 thì DN thuộc phạm vi được miễn giảm, nhưng UBND tỉnh không giải quyết.
Đại diện tập đoàn này đưa ra ví dụ: Trước năm 2005, tập đoàn đã đầu tư một nhà máy tại khu công nghiệp Liên Chiểu (Đà Nẵng) được trả tiền thuê đất 1 lần nên không bị điều chỉnh, giúp DN yên tâm đầu tư cho sản xuất.
Tỉnh Hưng Yên cần xem và điều chỉnh giá đất cho DN thuê, thậm chí phải có lộ trình định giá ngay từ ban đầu để DN biết và hoạch định kế hoạch kinh doanh. Với giá đất thương mại và đất nhà, 5 năm điều chỉnh 1 lần thì hợp lý, bởi đất ở giá trị thương mại cũng lên theo thị trường, nếu "đánh đồng" đất thương mại, đất ở, đất cho DN thuê hoạt động về CN hỗ trợ... sẽ gây khó cho những DN muốn đầu tư dài hạn trên địa bàn.
Kim Tuyến
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng