Quốc tế

Hungary: Chính sách tị nạn của Croatia “không thể chấp nhận được”

(DNVN) – Mới đây, chính phủ Croatia đưa ra tuyên bố mới về việc đưa người tị nạn quay trở lại Hungary và “san sẻ” bớt sang nước láng giềng Slovenia đã khiến quan chức chính phủ Hungary lên tiếng chỉ trích rằng chính sách này của Croatia hoàn toàn “không thể chấp nhận được”.

Chính phủ hai nước Hungary và Croatia vừa có buổi gặp gỡ trong cuộc hội đàm ngoại giao về chính sách người tị nạn để đối phó với tình hình đặt ở mức báo động cao tại đường biên giới của hai nước trong nhiều ngày qua. Phát ngôn viên của chính phủ Hungary cho biết, chính sách chuyển hướng người tị nạn sang Hungary và Slovenia của Croatia là “không thể chấp nhận được”.

Để đối phó với tình trạng người tị nạn đang ngày càng leo thang tại đường biên giới, Croatia đã đóng cửa 7 trong tổng cộng 8 đường biên giới giáp với Serbia vào ngày hôm qua. Chính phủ Croatia cho biết, nước này không còn sự lựa chọn nào khác khi chỉ trong vòng 2 ngày đã có tới 14,000 người tị nạn đổ xô về nước này. Chính phủ Croatia đã hỗ trợ cho người tị nạn các tuyến xe buýt, tàu hỏa để đưa họ trở về Hungary và sang Slovenia.

Người tị nạn đổ xô về biên giới Croatia (Ảnh: AP)
Người tị nạn đổ xô về biên giới Croatia (Ảnh: AP)

Dự đoán trước tình hình, chính phủ Hungary cũng đã bắt đầu cho xây dựng hàng rào thép gai tại đường biên với Croatia, nước láng giềng Slovenia cũng đã cho ngừng các tuyến đường tàu chạy từ Croatia đến Slovenia. Ngày hôm qua, cảnh sát Slovenia đã chặn một con tàu từ Croatia đến, trên tàu có 150 người tị nạn, ngay lập tức, cảnh sát nước này đã gửi trả lại 150 người về Croatia.

Cảnh sát Slovenia gửi trả lại 150 người tị nạn về Croatia (Ảnh: AP)
Cảnh sát Slovenia gửi trả lại 150 người tị nạn về Croatia (Ảnh: AP)

Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic cho biết, Croatia đã không đủ để chứa thêm người tị nạn nào nữa. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Croatia Ranko Ostojic cũng lên tiếng kêu gọi người tị nạn tìm con đường khác để vào châu Âu hoặc đến các trại tị nạn ở Serbia, Macedonia và Hy Lạp: “Đừng đến đây nữa, Croatia không phải là con đường tới châu Âu”, ông Ranko nói.

Trong buổi phỏng vấn của giới báo chí, phát ngôn viên của Hungary Zoltan Kovacs cho biết: “Thật không thể chấp nhận được chính sách và hành động gửi trả người tị nạn của chính phủ Croatia, đây là biểu hiện của sự đùn đẩy trách nhiệm. Croatia đã không tuân thủ đúng luật của các nước EU chỉ vì nước này thiếu sự chuẩn bị”. Được biết, Croatia đã gia nhập chính sách đường biên giới chung Schengen của EU nhiều năm qua, hành động này của Croatia một lần nữa cho thấy hệ thống Schengen không thể tồn tại được lâu.

Croatia hỗ trợ xe buýt và tàu hỏa cho người tị nạn sang Hungary và Slovenia (Ảnh: AP)
Croatia hỗ trợ tàu hỏa cho người tị nạn sang Hungary và Slovenia (Ảnh: AP)

Croatia đã trở thành tâm điểm chú ý trong tuần này khi cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu ngày càng leo thang, đặc biệt là khi Hungary dùng hơi cay, pháo và vòi rồng để ngăn chặn người tị nạn khiến những người này đột ngột chuyển hướng về phía Croatia.

Phát ngôn viên của cơ quan tị nạn Liên hợp quốc Adrian Edwards cũng đã lên tiếng kêu gọi và thúc giục các nước châu Âu đưa ra giải pháp thỏa đáng cho vấn đề này: “Cuộc khủng hoảng nhập cư đang ngày càng trở nên căng thẳng hơn khi người tị nạn bị từ chối và bị đùn đẩy từ nước này sang nước khác. Chúng tôi khuyến nghị các nước EU nên tìm ra giải pháp tốt hơn cho vấn đề này”.

 

Đức – nước được coi là hy vọng của nhiều người tị nạn hiện cũng đang phải vật lộn với 800,000 người tị nạn do chính sách mở cửa từ trước. Nhiều nước khác cũng chuẩn bị đóng cửa đường biên giới và thắt chặt kiểm soát các chuyến tàu xe vào nước mình hơn nữa.

Khi Croatia tuyên bố đóng cửa đường biên giới, nhiều người tị nạn mất hy vọng đã chọn đi bộ qua bán đảo Bankan – con đường nguy hiểm còn sót lại rất nhiều mìn sau chiến tranh thế giới thứ hai. “Đây là cách duy nhất để tôi vào châu Âu mặc dù có nguy hiểm đi chăng nữa”, Ahmad Mohamdi, người tị nạn Syria nói. 

Hồng Đinh Minh (Theo USA Today)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo