Pháp luật

Hủy án vụ công ty Cường đô la bị kiện

Ngày 27/9, TAND TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm, xét xử vụ kiện tranh chấp tiền lãi phạt do chậm bàn giao căn hộ giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (SN 1980, ngụ quận 7, TP.HCM) và bị đơn là Công ty TNHH Đầu tư phát triển nhà Quốc Cường.

 Bị kiện vì chậm giao căn hộ

Theo đơn khởi kiện, ngày 2/7/2007, Công ty TNHH Đầu tư phát triển nhà Quốc Cường (gọi tắt là Công ty Quốc Cường) và ông Lê Xuân Khôi ký kết hợp đồng góp vốn xây dựng để mua căn hộ cao cấp A1507, tầng 15, thuộc dự án Căn hộ cao cấp Quốc Cường Gia Lai số 28/4 Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7, TP.HCM.
 
Ngày 5/12/2009, ông Lê Xuân Khôi chuyển nhượng hợp đồng góp vốn trên cho ông Hồng Minh Trí. Ngày 27/1/2010, ông Trí tiếp tục chuyển nhượng hợp đồng góp vốn trên cho bà Nguyễn Thị Bích Ngọc.
 
 
Sau khi ông Trí và Công ty Quốc Cường thanh lý hợp đồng, ngày 1/3/2010, bà Ngọc và Công ty Quốc Cường đã ký hợp đồng góp vốn mới với nội dung bà Ngọc đã thanh toán cho Quốc Cường số tiền 1.274.900.000 đồng tương đương 95% giá trị hợp đồng và thuế VAT, công ty Quốc Cường có trách nhiệm giao căn hộ trên cho bà Ngọc vào tháng 7/2009.
 
Tuy nhiên, mãi tháng 4/2011, Công ty Quốc Cường mới giao căn hộ. Do vậy, bà Ngọc khởi kiện yêu cầu công ty phải trả lãi suất do chậm bàn giao căn hộ là 1,5%/tháng theo thỏa thuận của hợp đồng.
 
Tổng cộng số tiền lãi phạt do chậm bàn giao căn hộ là 485,5 triệu đồng.
 
Xét xử sơ thẩm, TAND quận 3 (TP.HCM) xác định thời điểm giao căn hộ được xác định theo hợp đồng chính là ngày 1/3/2010. Từ đó, Tòa đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc Công ty Quốc Cường phải thanh toán cho bà Ngọc 258,16 triệu đồng tiền phạt do chậm bàn giao căn hộ.
 
Sau phiên tòa, phía bị đơn đã kháng cáo toàn bộ bản án.
 
Hủy án vì “bên thứ 3”
 
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1990) – đại diện Công ty Quốc Cường giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
 
Theo đó, giống như tại phiên tòa sơ thẩm, phía bị đơn cho rằng lúc bà Ngọc ký hợp đồng góp vốn, đã biết rõ dự án chưa hoàn thiện, tháng 3/2010 hai bên mới ký kết hợp đồng trong khi thỏa thuận thời gian giao căn hộ trong hợp đồng lại là tháng 7/2009 là không thể.
 
Do vậy, điều khoản quy định về thời gian giao căn hộ trong hợp đồng là không có cơ sở.
 
Phía bị đơn cho rằng quá trình chuyển nhượng hợp đồng giữa ông Trí và bà Ngọc không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên hợp đồng trên vô hiệu. Do vậy, hợp đồng giao kết giữa bà Ngọc và Công ty Quốc Cường cũng vô hiệu, cần đưa ông Trí vào tham gia tố tụng.
 
Do vậy, phía bị đơn đề nghị cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm.
 
Đáp lại quan điểm trên, luật sư của phía nguyên đơn cho rằng việc bị đơn yêu cầu đưa ông Hồng Minh Trí vào tham gia tố tụng là không cần thiết vì hợp đồng giữa ông Trí và Công ty Quốc Cường đã thanh lý xong, nếu có vấn đề liên quan các bên có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.
 
Ngoài ra, việc đòi hỏi hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Trí và bà Ngọc phải qua sàn giao dịch là không cần thiết bởi đây là hợp đồng góp vốn chứ không phải hợp đồng mua bán.
 
Sau khi xem xét, HĐXX cấp phúc thẩm xét thấy: tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị đơn đã xuất trình hợp đồng hợp tác đầu tư và kinh doanh được ký kết ngày 31/8/2007 giữa Công ty Quốc Cường với Công ty TNHH Thương mại Đầu tư phát triển nhà Hưng Thịnh về việc hợp tác đầu tư và kinh doanh khu căn hộ cao cấp Quốc Cường Gia Lai.
 
Do vậy, khi xét giải quyết vấn đề lãi phạt do chậm giao căn hộ theo yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn cần có ý kiến của công ty Hưng Thịnh, để đảm bảo quyền lợi theo hợp đồng góp vốn đầu tư xét thấy cần thiết phải đưa Công ty Hưng Thịnh vào tham gia tố tụng.
 
Từ đó, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND quận 3 xét xử lại từ đầu.
 
 
Vietnamnet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo