Huy động các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới tại Thái Bình
Với điều kiện tự nhiên, sinh thái thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh và công nghệ cao, Thái Bình là trọng điểm sản xuất lúa màu của vùng Bắc Bộ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 của tỉnh đạt 7,46%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: nông, lâm, thủy sản chiếm 32,1%; công nghiệp, xây dựng 33,1%; dịch vụ 34,8%...
Tổng nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn ước đến 31/8/2014 đạt 25.400 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cuối năm 2013. Cùng thời điểm, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 35.500 tỷ đồng, tăng 5,9% so 31/12/2013, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 26,5%. Tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chỉ ở mức 1,5%/tổng dư nợ.
Tại buổi làm việc, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã chúc mừng thành tựu kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm của tỉnh, theo Thống đốc, trong bối cảnh hiện nay, việc Thái Bình đạt tốc độ tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng ở mức khá, tỷ lệ hộ nghèo thấp so bình quân của cả nước, có tổng số xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới cao là một cố gắng rất lớn và thành công của chính quyền, nhân dân và các tổ chức tín dụng (TCTD) của tỉnh.
Trao đổi về định hướng phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề nghị Thái Bình phát huy thế mạnh của tỉnh về nông, lâm, thủy sản, tập trung vào việc quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao. Nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Theo đó, tập trung huy động các nguồn vốn để xây dựng nông thôn mới.
Theo Thống đốc, Thái Bình là vựa lúa của miền Bắc, có dân số đông, có trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động, có điều kiện tự nhiên, sinh thái thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh và công nghệ cao... Thái Bình nên chú trọng duy trì và phát triển nông nghiệp ở mức hợp lý để đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững kinh tế-xã hội tỉnh.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện xây dựng nông thôn mới và cánh đồng mẫu lớn của Thái Bình.
Toàn tỉnh Thái Bình có 267/267 xã hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tập trung xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hoá vào sản xuất. Trong 8 tháng đầu năm 2014, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung đẩy mạnh cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định 41 của Chính phủ).
Đến cuối tháng 8/2014 dư nợ cho vay lĩnh vực này của các tổ chức tín dụng Thái Bình đạt 12 ngàn tỷ đồng, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2013 với gần 255 ngàn khách hàng còn dư nợ. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các TCTD đã cho trên 222 ngàn doanh nghiệp, cá nhân, hộ sản xuất vay vốn với dư nợ đạt 10,6 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn còn chú trọng cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, tôm và cho vay thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Theo Thống đốc, hiện nay, trong 15 dự án ngành Ngân hàng đầu tư ứng dụng công nghệ cao thì Thái Bình chưa có dự án nào. Thống đốc đề nghị tỉnh tham gia thí điểm Chương trình.
Thống đốc chỉ đạo NHNN-chi nhánh tỉnh Thái Bình cùng các TCTD trên địa bàn bên cạnh việc tiếp tục tích cực cho vay nông nghiệp, nông thôn cần phát huy vai trò tham mưu, tư vấn cho chính quyền địa phương trong việc tiếp tục tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cho vay thí điểm trong sản xuất nông nghiệp.
Trong chuyến làm việc tại tỉnh, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thay mặt ngành ngân hàng trao tặng 30 tỷ đồng tài trợ cho các địa phương của tỉnh để xây dựng nông thôn mới và phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn của Thái Bình. Thống đốc đã đến thăm mô hình nông thôn mới và cánh đồng mẫu lớn tại xã Bình Định (huyện Kiến Xương) .
End of content
Không có tin nào tiếp theo