Quốc tế

Hy Lạp: Chính phủ mới không nhận lương

Tại hội nghị đầu tiên sau khi thành lập Chính phủ lâm thời Hy Lạp ngày 17/5, tất cả bộ trưởng (gồm 16 người) đã quyết định từ bỏ toàn bộ tiền lương của mình.

Số tiền này được dùng để góp phần giải quyết những khủng hoảng mà người dân “Xứ sở thần thoại” đang đối mặt.

 

Chủ tịch Tòa án Hành chính Tối cao Panagiotis Pikrammenos được chỉ định đảm nhiệm chức Thủ tướng Chính phủ lâm thời để giải quyết các công việc trong nước trước ngày 17.6. Chính phủ lâm thời chủ yếu gồm giáo sư các trường đại học, các cựu quan chức Chính phủ cùng các quan chức ngoại giao.

 

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới của mình, ông Panagiotis Pikrammenos nói rằng: "Mỗi chúng tôi đều có khoản thu nhập riêng, vì thế, tôi thấy không cần thiết phải nhận lương hàng tháng. Tôi không mong các vị ngồi xe hơi và tận hưởng những chuyến du lịch vô ích".

 

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Petros Molyviatis cho hay, các vị bộ trưởng đã đồng ý từ bỏ toàn bộ tiền lương của mình để cùng người dân chống đỡ với khủng hoảng.

 

Tuy vậy, tâm lý hoảng loạn vẫn bao trùm lên người dân “Xứ sở thần thoại”. Ngày 18/5, dân chúng Hy Lạp đã đổ xô đến các ngân hàng rút hết tiền mặt do lo ngại nước này sẽ rút khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), gây ra những hậu quả khó lường.

 

Đáng lo ngại nhất là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cho ngừng các hoạt động tái cấp vốn cho một số ngân hàng tại quốc gia này. Theo ước tính, mỗi ngày hơn một tỷ euro đã bị người dân Hy Lạp rút khỏi hệ thống ngân hàng để cất giữ tại nhà.

 

Hiện tượng này đã từng xảy ra một lần vào tháng 4/2010, trong vòng vài ngày người dân đã rút ra hơn 8 tỷ euro trước khi kế hoạch cứu trợ đầu tiên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được thực hiện. Tuy nhiên, lượng tiền hụt đi này sẽ không được ECB bù đắp lại. Trong trường hợp này, Hy Lạp còn phải đợi sự chấp thuận cứu trợ của ECB - một khả năng ngày càng ít chắc chắn.

 

Trong khi đó, ECB tuyên bố sẽ ngừng các hoạt động tái cấp vốn cho một số ngân hàng Hy Lạp, do các ngân hàng này đã không tái đầu tư một cách đúng đắn. Thậm chí, ông Mario Draghi - Chủ tịch ECB còn gợi ý đến việc để cho Hy Lạp rời khỏi Eurozone.

 

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, ECB không thể nào bỏ rơi Hy Lạp, bởi lẽ nếu quốc gia này rời khỏi Eurozone, thì tất cả ngân hàng trung ương các nước thành viên sẽ phải trả giá đắt - một điều không ai mong muốn. Việc ra lệnh trục xuất Hy Lạp cũng không thể nào có được, bởi lẽ nếu chuyện này xảy ra, thì cả Eurozone chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn.

 

 

Theo Dân Việt

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo