Quốc tế

Hy Lạp: Động thái bất ngờ của Thủ tướng Tsipras

(DNVN)-Ngày 27/6, Thủ tướng Hy Lạp đã lên tiếng kêu gọi thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý về việc liệu ông có nên chấp nhận những yêu cầu mới nhất từ các chủ nợ quốc tế đối với Athens hay không.

Đây được coi là động thái bất ngờ và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của người đứng đầu Hy Lạp trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ tại quốc gia đang trong tình trạng căng thẳng. 

Các bộ trưởng của Hy Lạp, trong đó có người đứng đầu Bộ Quốc phòng, đã tham gia vào tiến trình này, với việc thúc giục quốc gia gồm 11 triệu dân bỏ phiếu phản đối thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” do các chủ nợ quốc tế đặt ra, đổi lại được nhận gói cứu trợ.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia sau nửa đêm ở Athens, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã thông báo rằng, cuộc trưng cầu sẽ diễn ra vào ngày 5/7 tới. Ông cũng cho rằng, những đề nghị nêu trên vi phạm rõ ràng các nguyên tắc cơ bản của châu Âu và không mang lại quyền lợi bình đẳng cho tất các các bên. 

 

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thông báo cuộc trưng cầu sẽ diễn ra vào ngày 5/7 tới
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thông báo cuộc trưng cầu sẽ diễn ra vào ngày 5/7 tới

“Sau 5 tháng thương lương khó khăn, các đối tác của chúng ta không may phải viện đến một đề nghị đối với người dân Hy Lạp. Tôi kêu gọi người dân Hy Lạp đưa ra quyết định có nên chấp nhận chính sách khắc khổ nghiêm ngặt và nhục nhã vốn không có kết thúc và không có triển vọng này hay không”, ông Tsipras phát biểu. 

Trưng cầu dân ý hiếm khi diễn ra tại Hy Lạp. Vào năm 1974, khi quốc gia này thoát khỏi chế độ độc tài quân sự, người dân Hy Lạp đã bỏ phiếu chống lại chế độ quân chủ và trở thành một nước cộng hòa. 

Phát biểu của ông Tsipras được đưa ra chỉ vài giờ sau cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) nơi các chủ nợ đưa ra đề nghị kéo dài thời gian cứu trợ cho Hy Lạp thêm 5 tháng. Đề nghị này cũng bao gồm việc giải phóng khoản vay trị giá 15,5 tỷ euro cho nước này, trong đó có khoảng 1,8 tỷ có thể sử dụng ngay. Ngược lại, phía Hy Lạp phải chấp nhận tái cơ cấu, với các điều khoản sẽ được thảo luận trong cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính châu Âu, diễn ra hôm 27/6. 

Trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ, nước này có thể rời khu vực đồng tiền chung, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế châu Âu và thế giới. Ngược lại, chỉ có đạt thỏa thuận với chủ nợ, Hy Lạp mới có cơ hội nhận khoản cứu trợ cũ trị giá 7,2 tỷ USD từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vốn đã bị đóng băng nhiều tháng qua.

NM (Theo Bloomberg)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo