Hy Lạp : Ngành mỹ phẩm sinh thái hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế
Với sự đa dạng của các vùng tiểu-khí hậu và đất đai màu mỡ, Hy Lạp có tới 5 500 loại cây, cỏ, có tác dụng chữa bệnh. Từ thời Hippocrate, ông tổ của ngành y, việc khai thác các loại cây thuốc này đã được tiến hành, tại các vùng núi ở Crète, (phía nam), Olympe (phía bắc) và trên quần đảo Cyclades (phía đông)
Với các loại hoa lá, như cúc cam (camomille), bạc hà (menthe), tầm ma (ortie), mã tiên thảo (verveine) hoặc những sản phẩm của ngành nuôi ong, những công ty dược phẩm như Apivita, Korres đã chiết xuất nhiều loại hương liệu và dầu tinh chất, làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm và bào chế dược phẩm, mà không có các chất phụ gia độc hại như parabène, silicone.
Ông Konstantinos Gardikis, Giám đốc phụ trách nghiên cứu của công ty Apivita nói với AFP : « Chúng tôi sử dụng các nguyên liệu đã được biết đến từ 25 thế kỷ qua ». Ông đưa ra ví dụ : Nhờ có công nghệ na-no, người ta trộn sáp ong với các phân tử bột lọc, để bào chế ra các sản phẩm chống lão hóa, bảo vệ da chống ánh nắng mặt trời.
Sự sáng tạo của lĩnh vực này đi cùng với nhu cầu ngày càng cao tại Châu Á, đã giúp cho các doanh nghiệp Hy Lạp có thêm thị trường xuất khẩu mới.
Công ty Korres, mà các sản phẩm đã có mặt trên thị trường từ hơn ba thập niên qua, năm 2014, đã tấn công thị trường Châu Mỹ La Tinh, bắt đầu là Brazil, sau khi ký hợp đồng đối tác chiến lược với công ty Mỹ Avon.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của công ty này tăng 95%, đạt mức 39,4 triệu đô la (trong khi mức tăng trên thị trường Hy Lạp chỉ là 5%).
Về phần mình, Apivita, hiện diện trên 14 thị trường với các chi nhánh tại Nhật Bản, Tây Ban Nha, đề ra mục tiêu từ nay đến 2019, sẽ nâng tỷ trọng xuất khẩu từ 40% lên tới 60% trong tổng sản lượng của công ty.
Một giáo sư thuộc đại học Kinh tế Thương mại Athenes cho rằng các thị trường Châu Á rất phù hợp với ngành chế biến mỹ phẩm sinh thái vì người tiêu dùng có cùng kiểu suy nghĩ, quan niệm về thẩm mỹ và sức khỏe như dân Hy Lạp.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội các nhà sản xuất mỹ phẩm và hương phẩm Hy Lạp, thì việc thâm nhập các thị trường Châu Á không phải là dễ dàng.
Chính quyền Trung Quốc đề ra các luật lệ rất chặt chẽ đối với mỹ phẩm. Tình trạng cũng tương tự đối với một số thị trường có sức mua cao, như Hoa Kỳ, Tây Âu.
Bên cạnh đó, các công ty Hy Lạp còn phải đối mặt với cuộc cạnh tranh ác liệt của các tập đoàn lớn khác như L’Oréal, Weleda.
Ngành mỹ phẩm sinh thái Hy Lạp phát triển nhờ vào việc áp dụng phuơng thức sản xuất mới. Các nhà sản xuất, ngày càng trẻ, quyết định rời thành thị về nông thôn sinh sống, tập trung phát triển các loại cây cỏ và bào chế các sản phẩm có chất lượng cao.
Ông Dimitrios Bilalis, giáo sư nông nghiệp sinh thái tại đại học nông nghiệp Athenes giải thích, các nhà sản xuất trẻ được đào tạo tốt, cao hơn và rất có ý thức về vấn đề môi trường.
Họ tìm cách thay đổi cách sống, có được sản lượng cao và do vậy, chỉ với những diện tích trồng trọt nhỏ, họ đáp ứng được nhu cầu về nguyên liệu của ngành này.
Ông chủ công ty Apivita, Nikos Koutsianas, nhấn mạnh, đó là những doanh nghiệp có ý thức về con người và môi trường, trái ngược với các doanh nghiệp cổ điển truyền thống, chỉ quan tâm đến việc tăng lợi nhuận.
Nhà máy của công ty Apivita được xây dựng trong một khuôn viên trồng ô-liu, năm 2013, và được thiết kế giống như tổ ong, với các bảng điện pin mặt trời, hệ thống xử lý nước thải và thông gió tự nhiên.
Chủ nhân công ty Apivita tỏ ra lạc quan về tuơng lai.
Mỹ phẩm sinh thái, tuy chỉ chiếm 3% trong ngành công nghiệp mỹ phẩm của Hy Lạp, nhưng có tốc độ tăng trưởng cao, từ 10 đến 15% mỗi năm.
Những khó khăn kinh tế tài chính chồng chất hiện nay không làm nản lòng giới doanh nhân Hy Lạp : Họ vẫn nuôi tham vọng là nước này sẽ dẫn đầu thế giới về mỹ phẩm sinh thái.
End of content
Không có tin nào tiếp theo