Hy Lạp: "Tuần trăng mật" của chính phủ mới đã kết thúc
Các cuộc đàm phán cứu trợ giữa Hy Lạp với các chủ nợ liên tục bế tắc trong bốn tháng qua do Athens phản đối những cải cách kinh tế cơ bản mà các chủ nợ yêu cầu thực hiện để đổi lấy số tiền này.
Trong khi đó, chính phủ Hy Lạp đang đánh mất sự ủng hộ chính trị từ cả bên trong và bên ngoài. Các bộ trưởng Hy Lạp đều thừa nhận rằng, họ sẽ không thể thanh toán được nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và các chính trị gia đảng đối lập thực sự quan ngại về việc kiểm soát vốn trong thời gian tới.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras
Thủ tướng Tsipras đã nỗ lực ngăn chặn một thử thách chính trị nội bộ từ chính đảng Syriza của ông vào cuối tuần qua, tuy nhiên chưa đạt kết quả nào. Trong khi đó, sự ủng hộ chính trị và sự ủng hộ của dân chúng ngày càng suy giảm.
Viện Vấn đề Công cộng của Hy Lạp ngày 24/5 công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy, phần lớn người dân Xứ sở Thần thoại ủng hộ Chính phủ trong tiến trình đàm phán với các chủ nợ và mong muốn Athens đạt thỏa thuận để ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Khoảng 54% số người được hỏi đồng ý với cách thức Chính phủ tiến hành đàm phán, 59% ủng hộ Athens không nhượng bộ bất chấp căng thẳng với các chủ nợ quốc tế. Trong khi đó, 89% phản đối tiếp tục cắt giảm lương hưu, 81% phản đối sa thải tập thể. Cuộc thăm dò còn cho thấy 71% số người được hỏi vẫn bảo vệ đồng euro và 68% cho rằng đồng nội tệ drachme chỉ làm trầm trọng thêm tình hình của đất nước.
Phát biểu trên đài truyền hình Mega TV, Bộ trưởng Nội vụ Hy Lạp Nikos Voutsis cho biết, Hy Lạp phải trả IMF 1,6 tỷ euro (1,8 tỷ USD) trong tháng tới nhưng hiện không còn tiền để thực hiện nghĩa vụ này. Ông Voutsis nhấn mạnh sự thật rõ ràng là Athens "không còn gì cho IMF trong các kho bạc."
Tháng Năm vừa qua, Athens đã gần như "nhẵn túi" khi chỉ thu nhặt được 750 triệu euro (845 triệu USD) để trả IMF bằng cách huy động các nguồn dự trữ khẩn cấp và đang đối mặt lịch thanh toán nợ dày đặc trong ba tháng tới. Chưa kể, Chính phủ Hy Lạp còn một loạt khoản chi tiêu cần đáp ứng bao gồm lương và lương hưu.
Trong bài diễn văn ngày 23/5 trước Ủy ban Trung ương của Syria, Thủ tướng Alexis Tsipras khẳng định Hy Lạp "đã làm những gì nước này phải làm, giờ đến lượt EU phải làm như vậy." Ông thừa nhận Hy Lạp "đang ở giai đoạn cuối của một thời kỳ đau lòng và khó khăn."
Các cuộc hội đàm giữa Hy Lạp và chủ nợ vẫn đang diễn ra tại Brussels, dù hy vọng về việc nhóm tái đàm phán Hy Lạp thúc đẩy được tốc độ giải ngân gói cứu trợ đang dần phai nhạt. Trong khi đó, tuyên bố hôm 24/5 của giới chức Hy Lạp có thể sẽ châm ngòi cho dòng tiền tháo chạy mạnh mẽ khỏi các ngân hàng nước này, làm cạn kiệt nguồn vốn và trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế tại đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo