Quốc tế

IAEA tăng cường an ninh hạt nhân toàn cầu

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân trong bối cảnh các vấn đề này thu hút sự chú ý đặc biệt toàn cầu sau thảm họa hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.

Trong báo cáo khảo sát mới nhất của IAEA chuẩn bị cho Hội nghị của Ủy ban trù bị Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến hạt nhân năm 2015, ông James Lyons, Giám đốc Vụ An toàn các cơ sở hạt nhân và ông Khammar Mrabit, Giám đốc Văn phòng An toàn hạt nhân của IAEA, đã nêu bật các xu hướng và các nỗ lực của cơ quan LHQ này về đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân trên toàn cầu.

 

IAEA nhấn mạnh một trong những diễn biến mới quan trọng nhất theo hướng này là Kế hoạch hành động an toàn hạt nhân định hướng các nỗ lực đảm bảo an toàn hạt nhân trên toàn cầu.

 

Kế hoạch 12 điểm này nhằm đảm bảo an toàn hơn cho các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới thông qua đánh giá các chương trình an toàn hạt nhân của các nước sử dụng năng lượng hạt nhân với sự hỗ trợ được tăng cường của IAEA.

 

Kế hoạch này cũng tăng cường hệ thống báo động khẩn cấp nhằm phổ biến thông tin nhanh và hiệu quả trong các trường hợp khẩn cấp về hạt nhân. Thông qua các hội nghị quốc tế được tổ chức trong Kế hoạch hành động này, các chuyên gia hạt nhân các nước có cơ hội chia sẻ và trao đổi ý tưởng về cải thiện môi trường an toàn và an ninh hạt nhân quốc tế.

 

Tại Hội nghị các chuyên gia quốc tế về an toàn của lò phản ứng và nhiện liệu hạt nhân đã qua sử dụng mới đây, 230 chuyên gia hạt nhân của 44 nước và 4 tổ chức quốc tế đã làm nổi bật các bài học về an toàn và an ninh hạt nhân từ thảm họa Fukushima.

 

Các chuyên gia IAEA cũng xây dựng Các tiêu chuẩn an toàn quốc tế để bảo vệ chống phơi nhiễm phóng xạ iôn hóa. Trong lĩnh vực an ninh hạt nhân, IAEA hỗ trợ các nước ngăn chặn và bảo vệ chống trộm cắp, phá huỷ, tiếp cận hoặc chuyển giao bất hợp pháp các vật liệu hạt nhân hoặc phóng xạ.

 

Đây là mối đe dọa toàn cầu cần sự phản ứng toàn cầu thông qua Kế hoạch an ninh hạt nhân năm 2010-2013 của IAEA nhằm đảm bảo an ninh hạt nhân hiệu quả ở bất cứ nơi nào trên thế giới có sử dụng, tàng trữ và vận tải vật liệu hạt nhân, giúp các nước tăng cường an ninh hạt nhân và chống nguy cơ khủng bố hạt nhân.

 

IAEA cũng hỗ trợ các nước các công cụ cần thiết để thiết lập các chế độ an ninh hạt nhân quốc gia bền vững và toàn diện. Từ năm 2002, hơn 10.700 quan chức từ 120 nước đã được IAEA đào tạo về an ninh hạt nhân để tăng cường năng lực quốc gia về vấn đề nóng này.

 

Mạng lưới giáo dục an ninh hạt nhân quốc tế đã liên kết IAEA với 26 trường đại học danh tiếng thế giới và 2 tổ chức khoa học quốc tế trong quan hệ đối tác để thúc đẩy giáo dục an ninh hạt nhân trên toàn cầu.

 

Theo Tin tức

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo