ICAO thông qua đề xuất thành lập Ủy ban hàng không dân dụng châu Á
Các thành viên châu Á - Thái Bình Dương của ICAO, bao gồm Ôxtrâylia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Xinhgapo, Hàn Quốc, Malaixia, Pakixtan và Inđônêxia tham dự Hội nghị, đã thảo luận đưa ra thỏa thuận chung về các điều khoản thành lập Ủy ban hàng không dân dụng châu Á - Thái Bình Dương, và sẽ trình lên ICAO vào cuối năm nay.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Inđônêxia Bambang Susantono cho biết sáng kiến thành lập Ủy ban hàng không dân dụng châu Á - Thái Bình Dương do nước này đề xuất, xuất phát từ tầm quan trọng của thị trường hàng không dân dụng khu vực. Hiện đây là thị trường lớn nhất thế giới và chiếm một phần ba lượng khách đường không toàn cầu.
Vụ trưởng vận tải hàng không, Bộ Giao thông Vận tải Inđônêxia Djoko Murjaatmodjo đánh giá rằng khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay không ảnh hưởng nhiều đến các chuyến bay trong khu vực, do các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Inđônêxia dân số đông hàng đầu thế giới có thị trường hàng không dân dụng trong nước lớn, giàu tiềm năng. Theo thống kê, Inđônêxia tăng trưởng kinh tế 1% thì tăng trưởng ngành hàng không dân dụng sẽ tăng tương ứng từ 1,2-1,5%. Quốc đảo này chỉ cần mười năm để tăng gấp đôi lượng hành khách hàng không trong khi trung bình thế giới phải cần tới 15 năm.
Trong khi đó, Bộ Du lịch Philíppin vừa công bố Kế hoạch phát triển du lịch quốc gia (NTDP), theo đó đặt mục tiêu đạt 10 triệu du khách quốc tế và 56 triệu khách nội địa vào năm 2016. Mục tiêu du khách quốc tế năm 2013 sẽ tăng từ 4,3 triệu trong năm 2012 lên 5,5 triệu lượt khách. Lượng khách du lịch trong nước năm 2012 là 40,7 triệu, dự kiến sẽ tăng lên 44,1 triệu vào năm 2013. Đứng đầu nguồn khách du lịch quốc tế đến Philíppin là Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, và Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Du lịch Daniel G. Corpuz đã đưa ra ba chiến lược quan trọng để đạt được mục tiêu tăng lượng khách du lịch, bao gồm: phát triển và tiếp thị các sản phẩm du lịch cạnh tranh và các điểm đến; nâng cao tiếp cận thị trường, kết nối, và cơ sở hạ tầng nơi đến; và cải thiện quản trị thể chế và nguồn nhân lực.
Hiệp - Dung
End of content
Không có tin nào tiếp theo