Xã hội

ILO: Tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ tăng mạnh

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), tầng lớp trung lưu ở khu vực Asean sẽ tăng rất mạnh khi Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) hình thành, với khoảng 110 triệu người vào năm 2015, trong đó tầng lớp trung lưu Việt Nam có khoảng 14,7 triệu người, chiếm gần 26,6% lực lượng lao động.

Khi tầng lớp trung lưu tăng trưởng thì xu hướng tiêu dùng của họ cũng sẽ thay đổi theo - Ảnh minh hoạ: Thuỳ Dung

Báo cáo của ILO về tác động của Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) tới thị trường lao động mới công bố gần đây cho thấy, lao động càng có kỹ năng càng được hưởng lợi từ AEC và tầng lớp trung lưu sẽ ngày càng đông đảo.

Ước tính, trong năm 2015, lực lượng trung lưu trong khu vực Asean sẽ đạt 110 triệu người và sẽ đạt gần 130 triệu người trong năm 2018.

“Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng lực lượng trung lưu lớn nhất trong khu vực kể từ năm 1991 tới nay, chỉ sau Indonesia. Năm 2015, lực lượng trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 14,7 triệu người, chiếm 26,6% lực lượng lao động. Con số này tiếp tục tăng và đạt 17,7 triệu người vào năm 2018, chiếm hơn 30% lực lượng lao động” – ông Phú Huỳnh, Chuyên gia cao cấp về kinh tế lao động của ILO nói.

Theo ông Phú Huỳnh, tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu được coi là một bệ đỡ cho thị trường nội địa. Bằng chứng trên thế giới cho thấy, tầng lớp trung lưu gắn liền với việc tiếp cận tốt hơn với việc làm được trả lương đều đặn, đầu tư nhiều hơn cho sức khỏe, giáo dục, và tiêu dùng hộ gia đình cũng cao hơn.

Hơn nữa, ông Phú Huỳnh cho hay, trong những năm trước, khu vực Asean, trong đó có Việt Nam, tăng trưởng nhờ xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu vào khu vực các thị trường châu Âu và Mỹ; nhưng do khủng hoảng kinh tế những nước này có xu hướng bảo hộ và tiêu thụ hàng hoá nội địa. Chính vì vậy, việc tăng trưởng dựa vào xuất khẩu trở nên không chắc chắn. Trong bối cảnh đó, tiêu dùng của tầng lớp trung lưu nội địa sẽ đóng vai trò thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

“Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào 3 yếu tố, đó là xuất khẩu ròng, đầu tư và tiêu dùng nội địa. Khi xuất khẩu trở nên không chắc chắn thì tiêu dùng nội địa là động lực tăng trưởng. Chính vì vậy, sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu sẽ là động lực của nền kinh tế khi họ có thu nhập cao hơn và tiêu dùng nhiều hơn”, ông Huỳnh nói.

Theo ILO, chìa khoá để thúc đẩy hơn nữa động lực mở rộng tầng lớp trung lưu là tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn song song với việc tăng năng suất lao động và tiền lương. Cần phải đảm bảo có được các chính sách đúng đắn và thể chế vững mạnh.

Để đạt được điều đó, các biện pháp tăng tốc thay đổi trong cơ cấu kinh tế của đất nước đóng vai trò quyết định. “Điều này sẽ tạo ra các cơ hội mới cho gần 25 triệu lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành nông nghiệp năng suất thấp để chuyển dịch sang các việc làm tốt hơn trong ngành công nghiệp và dịch vụ, nơi sử dụng 4/5 số lao động trung lưu” – ông Huỳnh nói.

ILO đề xuất cần phải đầu tư nhiều hơn cho việc cải thiện tiếp cận và chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là cho phụ nữ và thanh niên nông thôn. Với kỹ năng và trình độ được nâng cao, người nghèo Việt Nam có thể cạnh tranh tốt hơn để kiếm việc làm có kỹ năng, mang lại tiền lương cao hơn.

Trong bối cảnh chuyển đổi thị trường lao động và chuyển dịch nền kinh tế, cần thiết phải tăng cường các hệ thống bảo trợ xã hội nhằm hỗ trợ các gia đình dễ bị ảnh hưởng, giúp họ có khả năng thích ứng với điều kiện mới.

thesaigontimes.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo