Thị trường

IMF thông qua khoản vay 12 tỷ USD cho Ai Cập

Ngày 11/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chính thức thông qua khoản cho vay trị giá 12 tỷ USD trong thời hạn ba năm cho Ai Cập để giúp nước này phục hồi nền kinh tế đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng.

Trong một tuyên bố, Hội đồng Quản trị IMF cho biết thể chế tài chính quốc tế này sẽ giải ngân ngay lập tức khoản tiền 2,75 tỷ USD cho Ai Cập, trong khi số tiền còn lại sẽ được chuyển cho Cairo phụ thuộc vào tình hình cải thiện kinh tế cũng như việc thực hiện cải cách của đất nước Bắc Phi, theo TTXVN.

IMF cho rằng chương trình cải cách "sẽ giúp Ai Cập khôi phục và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện."

Ảnh minh họa.

Các chính sách hỗ trợ của gói tín dụng này nhằm mục đích giúp Ai Cập tự điều chỉnh sự mất cân bằng bên ngoài và khôi phục khả năng cạnh tranh, giảm thâm hụt ngân sách và nợ công, thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm trong khi bảo vệ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Hãng thông tấn nhà nước MENA cho biết Ngân hàng Trung ương Ai Cập (BCE) khẳng định khoản vay từ IMF sẽ giúp nâng cao dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức 23,5 tỷ USD.

Hồi giữa tháng 8, Ai Cập đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ với IMF về khoản vay nói trên. Thỏa thuận yêu cầu Ai Cập phải đáp ứng một loạt các cải cách về kinh tế, bao gồm việc thực hiện cắt giảm trợ cấp một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, ban hành chính sách về tỷ giá hối đoái, thuế giá trị gia tăng…

Trước đó, vào tháng 7, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cảnh báo rằng, thâm hụt tài khoản vãng lai của Ai Cập tăng lên mức kỷ lục 6,7% GDP trong quý I năm nay. Điều này có nghĩa là quốc gia Bắc Phi ngày càng phụ thuộc vào tiền từ nước ngoài.

Các chuyên gia cũng cho hay, gói cứu trợ sẽ giảm bớt áp lực và có thể kéo theo đợt mất giá của đồng Bảng Ai Cập khi Chính phủ cố gắng hỗ trợ các nhà xuất khẩu và khuyến khích người dân mua hàng nội địa.

 

Trong năm qua, doanh thu từ du lịch và kiều hối giảm mạnh đã khiến nguồn dự trữ ngoại tệ của Ai Cập bị giảm xuống còn 15,5 tỷ USD. Chính phủ Ai Cập hy vọng khoản vay trên sẽ đóng vai trò phao cứu sinh, trong bối cảnh nước này cạn nguồn dự trữ ngoại hối và nền kinh tế gặp khó khăn sau nhiều năm bất ổn chính trị.

Nên đọc
Hòa Hậu (tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo