Pháp luật

Interpol sẽ có kênh riêng để bắt Trịnh Xuân Thanh

(DNVN) - Trả lời báo chí về việc truy nã Trịnh Xuân Thanh nếu có trốn ra nước ngoài, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an cho biết, Việt Nam có thông qua Tổ chức Cảnh sát quốc tế - Interpol và nhờ họ truy bắt Trịnh Xuân Thanh.

Như tin tức đã đưa, ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46 (P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 163 Bộ Luật Hình sự xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên.

Ngày 16/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.

Ông Trịnh Xuân Thanh (phải). Ảnh: website Bộ Công Thương.

Sau khi ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như trình tự thủ tục truy nã sẽ được thực hiện như thế nào? và liệu cơ quan chức năng Việt Nam có gặp khó khăn trong việc bắt Trịnh Xuân Thanh nếu ông này trốn ra nước ngoài.

Liên quan đến việc này, trả lời báo Infonet, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết: “Đến lúc này, Việt Nam đã có hợp tác với hơn 100 nước về ký hiệp định tương trợ về tư pháp. Trước khi phát lệnh truy nã Việt Nam có thông qua Tổ chức Cảnh sát quốc tế - Interpol và nhờ họ truy bắt Trịnh Xuân Thanh”.

Chính vì vậy, Thiếu tướng Trần Thế Quân khẳng định: “Nếu Trịnh Xuân Thanh đang lẩn trốn ở những nước mà chúng ta chưa ký hiệp định tương trợ về tư pháp vẫn có thể bắt được người này bằng nhiều hình thức khác nhau. Tức là không có nghĩa Trịnh Xuân Thanh trốn ở những nước mà Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ về tư pháp là không thể bắt được. Việc bắt bị can Trịnh Xuân Thanh ở những nước chưa ký hiệp định tương trợ về tư pháp vẫn có thể bắt được”.

“Mặc dù Việt Nam và một số nước chưa kí kết hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự riêng với nhau, nhưng 2 quốc gia vẫn có thể áp dụng các điều ước quốc tế liên quan mà cả 2 quốc gia là thành viên. Vấn đề dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo thỏa thuận giữa 2 chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế”, Thiếu tướng Trần Thế Quân nói.

Khi được hỏi giả sử Trịnh Xuân Thanh đang lẩn trốn ở Mỹ, Đức, Canada… hoặc một số quốc gia khác mà phía Việt Nam chưa kí kết hiệp định tương trợ về tư pháp và hình sự thì việc bắt giữ, dẫn độ sẽ như thế nào, Thiếu tướng Trần Thế Quân nói: “Như tôi đã nói, việc bắt giữ này là có đi, có lại nhưng cũng gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, không phải hoàn toàn bế tắc với việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh. 

 

Những nước mà chúng ta chưa ký hiệp định tương trợ về tư pháp thì sẽ vận dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước, bàn bạc, thương lượng cụ thể. Việc làm này sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì trong thực tế, nhiều quốc gia cũng không dễ dàng dẫn độ được tội phạm”.

Trả lời câu hỏi về việc, tại sao Việt Nam đã thông qua Tổ chức Cảnh sát quốc tế - Interpol và nhờ họ bắt Trịnh Xuân Thanh rồi nhưng vì lý do gì mà đến lúc này, trên  trang web của Tổ chức Cảnh sát quốc tế - Interpol vẫn chưa đăng tải thông tin truy nã quốc tế với bị can Trịnh Xuân Thanh? Thiếu tướng Trần Thế Quân chia sẻ: “Đó là việc của họ, tôi chưa nắm được. Tuy nhiên, Tổ chức Cảnh sát quốc tế - Interpol, họ có kênh riêng của họ để bắt Trịnh Xuân Thanh”.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo