Interpol Việt Nam và những cuộc truy lùng tội phạm xuyên biên giới
Thiếu tướng Trần Duy Thanh – Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam cho biết, trong bối cảnh tội phạm không biên giới như hiện nay, ngay cả các nước lớn cũng không tự mình giải quyết nổi mà vẫn rất cần sự hợp tác quốc tế. Hiệu quả công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm có yếu tố nước ngoài qua kênh hợp tác Interpol và Aseanapol của Việt Nam sau 12 năm trở thành thành viên tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế Interpol đã cho thấy rõ điều đó.
Truy nã tội phạm quốc tế: Châu Phi không xa xôi
Thời mở cửa và hội nhập, khi cơ hội giao thương giữa các quốc gia nhiều hơn, việc di chuyển giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ trở nên thuận tiện hơn cũng là khi tội phạm có thêm nhiều con đường trốn chạy hơn. Tội phạm nước ngoài, sau khi gây án thì bỏ trốn về Việt Nam và ngược lại, tội phạm Việt Nam thì tìm đường tẩu thoát ra nước ngoài với hy vọng khoảng cách địa lý và những khác biệt về luật pháp giữa các quốc gia sẽ là một rào cản đối với lực lượng truy tìm.
Thiếu tướng Trần Duy Thanh – Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam cho biết, nếu như trước kia, tội phạm gây án trong nước thường chỉ trốn loanh quanh ở mấy nước láng giềng bằng cách vượt núi, băng rừng như sang Trung Quốc, Lào, Campuchia, hiếm hoi mới có trường hợp trốn được sang châu Âu thì nay, tội phạm đã trốn sang tận châu Phi xa xôi, nơi mà đa số người Việt Nam chỉ biết đến qua phim ảnh với những cánh rừng.
Hoàng Minh Đức – nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch-Dịch vụ hàng không ở Quảng Bình là một trường hợp như thế. Từng có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực du lịch, Đức mở công ty và dùng mọi chiêu trò để quảng bá rằng đây là một doanh nghiệp uy tín với các chiến lược kinh doanh quy mô lớn và nhận hồ sơ, hứa hẹn đưa nhiều người đi lao động xuất khẩu tại nước ngoài như Anh, Tanzania…Công ty này, Đức mở trụ sở chính tại TP.HCM và mở thêm một chi nhánh tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Tin vào những lời có cánh của Hoàng Minh Đức, gia đình anh Nguyễn Quốc Toản ở Quảng Bình đã thỏa thuận Đức lo mọi thủ tục để đưa anh Toản sang Anh làm ăn. Đổi lại, gia đình anh phải trả cho Đức số tiền dịch vụ lên tới 31 nghìn USD.
Nhưng sau khi nhận hơn 100 triệu đồng tiền đặt cọc ban đầu của gia đình anh Toản, Đức chỉ đưa anh Toản sang Tanzania (châu Phi). Tại đây, Đức yêu cầu gia đình phải chuyển nốt số tiền còn lại thì anh Toản mới tiếp tục sang Anh được. Nhưng sau khi đã nhận đủ số tiền còn lại thì Đức lặn một hơi mất dạng, để anh Toản bơ vơ tại châu Phi.
Về phần mình, sau khi ôm của gia đình anh Toản khoản tiền chi phí sang Anh cả nửa tỉ đồng, Đức bỏ sang Bờ Biển Ngà, một quốc gia nằm ở phía Tây châu Phi, cách Việt Nam chừng hơn 40 giờ bay. Lẩn trốn ở vùng lãnh thổ xa xôi như vậy, Đức hy vọng, Công an Việt Nam có tài thánh cũng chả tìm thấy tung tích hắn.
Trung tá Nguyễn Hoa Chi, Trưởng phòng 2- Văn phòng Interpol Việt Nam kể, không chỉ Đức mà nhiều tội phạm sau khi gây án trong nước bỏ trốn ra nước ngoài cũng đều tưởng như vậy. Nhưng, khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Interpol thì cơ chế hợp tác đa phương về thực thi pháp luật đã được mở ra trên phạm vi rộng nhất từ trước đến nay.
Với mạng lưới thành viên lên tới gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam, Interpol luôn hướng tới việc thúc đẩy các nước thành viên duy trì và đảm bảo an ninh thông qua việc cung cấp thông tin và bằng chứng của nhiều nhóm đối tượng tội phạm với nhiều loại hình phạm pháp khác nhau, Interpol chịu trách nhiệm lưu trữ một cơ sở dữ liệu toàn cầu, thực hiện truy tìm và phát lệnh truy nã các đối tượng phạm tội tới từng nước thành viên, tổ chức và phối hợp hoạt động quy mô “vượt ngoài biên giới”.
Trở lại trường hợp của Hoàng Minh Đức, sau khi xác định Đức đã bỏ trốn ở nước ngoài, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình ra quyết định truy nã và Ban Tổng thư ký Interpol ra lệnh truy nã quốc tế với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
6 tháng sau khi Lệnh truy nã quốc tế được phát đi trên hệ thống các nước thành viên Interpol, Văn phòng Interpol Việt Nam nhận được thông tin từ Cảnh sát Bờ Biển Ngà cho biết, tại sân bay quốc tế Felix Houphouet Boigny – Abidjan – Bờ Biển Ngà, cảnh sát đã phát hiện ra Đức và sau đó Đức đã bị bắt và bị dẫn giải về Việt Nam, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi phạm tội của mình.
Nhưng Đức không phải là đối tượng truy nã người Việt Nam duy nhất bị bắt ở nước ngoài trong năm 2013. Qua kênh hợp tác Interpol, Văn phòng Interpol Việt Nam và Cục Truy nã tội phạm đã bắt giữ hàng loạt đối tượng truy nã quốc tế khác.
Đỗ Văn Phương, một tú ông cầm đầu đường dây buôn người, sau khi lừa gạt hàng loạt phụ nữa trẻ đẹp để bán qua biên giới, biết bị Công an Hải Dương truy nã nên Phương đã bỏ trốn sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hành tung của Phương đã bị Interpol phát hiện và sau đó y đã bị bắt giữ tại Quảng Đông, Trung Quốc.
Huỳnh Văn Ngà, nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH TM-SX Thiên Sơn Phú (trụ sở tại quận Tân Phú, TP.HCM) sau khi chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của nhiều pháp nhân tại Việt Nam đã bỏ trốn sang Mỹ, kết hôn với một phụ nữ Mỹ nhằm định cư lâu dài tại đây. Tuy nhiên, trước đó, lệnh truy nã quốc tế của Huỳnh Văn Ngà đã được Ban tổng thư ký Interpol ban hành, do đó, Cảnh sát Mỹ đã phát hiện ra Ngà và bắt giữ.
Tội phạm nước ngoài lẩn trốn tại Việt Nam: Không lối thoát
Cùng chung hy vọng khoảng cách địa lý sẽ là rào cản đối với lực lượng truy bắt nên nếu như người Việt Nam sau khi phạm tội cao chạy xa bay ra nước ngoài lẩn trốn thì tội phạm nước ngoài, sau khi phạm tội lại tìm đường đến Việt Nam để trốn tránh sự truy lùng của cảnh sát nước ngoài.
Olivier Larroque, bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa quốc tịch Pháp cũng vậy. Tháng 5/2013, trong khi tiến hành điều tra một số vụ xâm phạm tình dục trẻ vị thành niên, Cảnh sát Pháp đã xác định có sự liên quan của bác sĩ Olivier Larroque. Theo thông báo của Văn phòng Interpol Pháp gửi các thành viên thuộc Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế Interpol thì quá trình điều tra ban đầu phát hiện những hình ảnh của bác sĩ Olivier Larroque quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên. Các hình ảnh còn cho thấy có nhiều khả năng các trẻ vị thành niên này đã bị cho sử dụng ma túy.
Nhưng vào thời điểm tội phạm bị phát hiện và được công tố viên của Paris giao cho thẩm phán điều tra thì bác sĩ Olivier Larroque đã không còn ở nước Pháp.
Qua cơ sở dữ liệu thông tin của Văn phòng Interpol Pháp tại Việt Nam đã phát hiện thấy một người có nhiều đặc điểm giống với đối tượng mà Interpol Pháp đang truy tìm. Người này lúc đó đang làm việc cho một bệnh viện nước ngoài trên địa bàn Hà Nội và thuê nhà ở trong một con ngõ ở phố Tràng Tiền.
Điều tra qua những người hàng xóm thì thấy “ông Tây” này sống độc thân trong căn hộ thuê và hàng ngày thường tối mịt mới về nhà. Hàng xóm cũng không thấy ông ta có bạn bè qua lại và theo họ đây là một người ngoại quốc sống khép kín nhưng khá thân thiện.
Sáng sáng, mỗi khi rời nhà đến nhiệm sở, không bao giờ ông ta quên vẫy tay tạm biệt và chào hàng xóm bằng tiếng Việt. Các bác sĩ đồng nghiệp ở Việt Nam tại bệnh viện cũng nhận xét rằng, vị bác sĩ này chưa làm điều gì phiền toái với họ.
Nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ, Văn phòng Interpol Việt Nam và Cục Cảnh sát truy nã tội phạm đã xác định được “ông Tây” nọ chính là Olivier Larroque, đối tượng mà Văn phòng Interpol Pháp đang truy tìm với thông báo đỏ. Olivier Larroque bị bắt tại Việt Nam, đất nước cách Pháp nhiều giờ bay, nơi mà ông ta tưởng sẽ là điểm ẩn náu cho cuộc trốn chạy.
Cùng với Olivier Larroque, còn hàng loạt các đối tượng phạm tội khác nhau thuộc nhiều quốc tịch vào Việt Nam lẩn trốn và bị bắt giữ nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Interpol Việt Nam và các nước thành viên của Tổ chức Interpol. Theo thông báo của Văn phòng Interpol Việt Nam, thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, đơn vị này đã phối hợp bắt giữ và bàn giao 11 đối tượng gồm các quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Pháp cho cảnh sát nước ngoài.
Phạm tội ở nước ngoài vẫn bị Công an Việt Nam bắt giữ
Phạm Thế Vinh và Nguyễn Hà Lan đều là người Hà Nội sang làm ăn sinh sống tại Nga. Ban đầu, tại Nga, vợ chồng Vinh-Hà Lan làm chủ một xưởng may người Việt ở ngoại ô Moskva và có thu nhập tương đối khá. Tuy nhiên, sau một thời gian dài làm ăn tại đây, vợ chồng Vinh đã gây dựng cho mình nhiều mối quan hệ phức tạp và sử dụng những quan hệ này để cưỡng đoạt tài sản của những người Việt Nam làm ăn buôn bán tại Nga.
Khoảng đầu năm 2010, vợ chồng Vinh trở thành nỗi sợ hãi đối với nhiều người Việt làm may mặc tại Nga. Bởi, nếu họ không chấp nhận chi tiền bảo kê cho vợ chồng Vinh thì xưởng may của họ với số vốn đầu tư cả vài chục nghìn USD có thể sẽ bị phá phách hoặc đóng cửa. Phẫn nộ, nhưng hầu hết những người làm may trong cộng đồng người Việt tại đây đều sợ hãi không dám tố cáo.
Cũng trong khoảng thời gian này, từ nguồn tin khác nhau, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam đã thu thập được nhiều nguồn tin về những hoạt động tội phạm của Vinh-Hà Lan đã đe dọa trực tiếp đến cuộc sống vật chất và tinh thân của người Việt, làm xấu đi hình ảnh người Việt trong con mắt chính quyền và người dân Nga. Được sự đồng ý của cấp trên, một nhóm điều tra viên từ Việt Nam đã được điều sang Nga để thu thập chứng cứ và tiến hành các hoạt động điều tra về hành vi phạm tội của vợ chồng Vinh-Hà Lan.
Sau khi có đầy đủ chứng cứ pháp lý, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với vợ chồng Vinh-Hà Lan về tội cưỡng đoạt tài sản. Đồng thời, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam đề nghị Ban Tổng thư ký Tổ chức Interpol ban hành Lệnh truy nã quốc tế đối với vợ chồng Vinh-Hà Lan.
Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Interpol, Cảnh sát Việt Nam đã phối hợp với Interpol quốc tế và Liên bang Nga để bắt giữ cả hai đối tượng trên, dẫn giải về Việt Nam an toàn, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.
End of content
Không có tin nào tiếp theo