Iran bán khí đốt cho châu Âu: Cảm xúc của Nga?
Vừa được Nga dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp hệ thống tên lửa, Iran đã tuyên bố sẵn sàng cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu.
Ngày 13/4, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng Iran hoàn toàn không có ý định thay thế hoặc thách thức Nga về việc xuất khẩu khí đốt sang các nước châu Âu.
"Tehran là một đối tác đáng tin cậy và vấn đề này đã được Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ - những quốc gia đang sử dụng khí đốt của Iran - hiểu rõ".
Iran, được coi là quốc gia có trữ lượng dự trữ khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới sau Nga, đang có những nỗ lực nhằm tăng sản lượng khai thác khí đốt thông qua việc tăng vốn đầu tư trong nước và quốc tế, đặc biệt ở mỏ khí đốt South Pars. Hiện Iran đang cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia và dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp cho Iraq vào mùa Xuân này.
Tuyên bố của ngoại trưởng Iran diễn ra cùng ngày với việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm đối với kế hoạch cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran. Trước đó, hồi năm 2010, Moscow phải hủy bỏ hợp đồng này do áp lực từ phương Tây.
Moscow cũng bắt đầu cung cấp ngũ cốc, thiết bị và vật liệu xây dựng cho Tehran để đổi lấy dầu thô theo một thỏa thuận trao đổi hàng hóa.
Reuters dẫn nguồn tin cho biết hơn 1 năm trước, Nga đã cân nhắc thỏa thuận trị giá lên đến 20 tỉ USD để mua của Iran 500.000 thùng dầu/ngày. Thỏa thuận này đang được thực hiện.
Khi được hỏi liệu việc dỡ bỏ cấm vận với Iran có thể làm suy yếu vị thế của Nga trên thị trường năng lượng châu Âu cũng như toàn cầu hay không, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov khẳng định điều này chưa thể xảy ra.
“Tehran chưa sẵn sàng để cung cấp khí đốt sang châu Âu một cách nhanh chóng và với số lượng lớn. Nó đòi hỏi cơ sở hạ tầng lớn và rất khó để xây dựng” - ông nói.
Tehran có thể coi như một đồng minh của Nga, tương tự như Syria và nhận được nhiều sự hỗ trợ về mặt quân sự, quốc phòng, kinh tế từ Moscow.
Tuy nhiên, có vẻ như khi thoả thuận hạt nhân toàn diện chính thức được ký kết vào ngày 30/6 tới đây, qua đó lệnh trừng phạt tạm kết thúc, Iran có nhiều cơ hội để cải thiện quan hệ với phương Tây và điều này có thể tác động với mối quan hệ giữa Tehran và Moscow.
(Theo Báo Đất Việt)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo