Quốc tế

Iran làm giàu uranium tới mức độ nguy hiểm

Các thanh sát viên hạt nhân của Liên Hợp Quốc ở Iran vừa tìm thấy dấu vết uranium được làm giàu tới 27%, cao hơn mức báo cáo trước đây là 20% và gần mức có thể trở thành vật liệu chế tạo bom, theo nguồn tin ngoại giao hôm 25/5.

Cấp độ làm giàu uranium ở mức 27% sẽ được ghi trong báo cáo gửi tới Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đóng trụ sở ở thủ đô Vienna của Áo, các nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nói.

 

Tiến gần hơn mức chế tạo vũ khí

 

Iran, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới, luôn nói rằng họ sẽ không vượt qua tỷ lệ làm giàu 20%, và sẽ sử dụng uranium đó cho lò phản ứng phục vụ công tác nghiên cứu.

 

Con số 27% được đưa ra chưa đến một ngày sau khi Iran và nhóm 6 cường quốc kết thúc cuộc đàm phán khó khăn tại Iraq về chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran mà không đạt được tiến bộ đáng kể nào, dù cả hai phía đều đồng ý sẽ gặp lại ở Nga vào tháng sau.

 

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao giấu tên ở Vienna cảnh báo IAEA rằng dấu vết uranium được làm giàu tới 27% mà thanh sát viên của tổ chức này ghi nhận được có thể chỉ là ngẫu nhiên, gây nên bởi lỗi vận hành.

 

Cho tới nay, mức độ uranium cao nhất của Iran được báo cáo là 20%. Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân không giới hạn mức độ làm giàu uranium mà các quốc gia được phép, với điều kiện nó không kết hợp ứng dụng dân sự với các mục đích quân sự.

 

Hầu hết nhiên liệu uranium cho các lò phản ứng hạt nhân được làm giàu tới khoảng 4%. Từ 2 năm trước, Iran bắt đầu tạo ra nhiên liệu được làm giàu tới 20% và nói rằng để phục vụ cho một lò phản ứng nghiên cứu ở thủ đô Tehran. Nhiên liệu đạt tới mức tạo thành bom cần độ tinh khiết 90%. Về mặt sản xuất, không mất nhiều thời gian để nâng độ tinh khiết từ 20% lên 90%.

 

Công cụ mặc cả đầy uy lực

 

Dù cuộc đàm phán vừa qua đạt được rất ít kết quả, nhưng việc cả hai phía đồng ý tiếp tục đối thoại vào ngày 18 và 19-6 cũng là một tiến bộ sau hơn một năm không gặp gỡ cho tới vòng đàm phán gần đây nhất bắt đầu vào tháng 4, theo các nhà phân tích.

 

Điểm mấu chốt của bất đồng là với thái độ cứng rắn, Iran đòi các biện pháp trừng phạt kinh tế phải được dỡ bỏ trước khi nước này dừng những hoạt động có thể nâng cao khả năng phát triển vũ khí hạt nhân.

 

Ngược lại, các cường quốc phương Tây đòi Tehran phải dừng hoạt động làm giàu uranium ở mức độ cao trước khi những biện pháp trừng phạt được nới lỏng. Cả hai phía đều có những lý do chính đáng để không phá bỏ quan hệ ngoại giao.

 

Các cường quốc muốn đẩy lùi nguy cơ một cuộc chiến mới ở Trung Đông khi Israel đe doạ đánh bom Iran, còn Tehran cũng muốn tránh bị phương Tây cấm xuất khẩu dầu mỏ.

 

Các cường quốc muốn Iran gửi uranium làm giàu mức độ cao ra nước ngoài, đồng thời đóng cửa nhà máy dưới lòng đất đã làm giàu uranium tới 20% vì cơ sở này rất dễ bị không kích và để thanh sát viên Liên Hợp Quốc vào kiểm tra.

 

Đổi lại, họ sẽ cung cấp nhiên liệu để lò phản ứng phục vụ y học của Iran hoạt động, bảo đảm mức độ an toàn và dỡ bỏ lệnh cấm bán linh kiện cho các máy bay dân sự cũ kỹ của Iran.

 

Mỹ và các đồng minh đang áp dụng các biện pháp cấm vận cứng rắn đối với khu vực tài chính và năng lượng của Iran để ép nước này phải nhượng bộ. Liên minh châu Âu dự định áp dụng lệnh cấm vận hoàn toàn đối với hoạt động mua dầu thô từ Iran trong tháng 7, và khẳng định biện pháp này sẽ không được dỡ bỏ trừ khi Tehran kiềm chế hoạt động làm giàu uranium.

 

Iran gợi ý sẽ linh hoạt trong vấn đề giàu uranium, nhưng báo chí nước này nói rằng họ sẽ không từ bỏ công cụ mặc cả rất uy lực mà không nhận được nhượng bộ đáng kể nào.

 

 

Theo TPO

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo