Quốc tế

Iraq không còn muốn lệ thuộc vào Mỹ

Iraq đang cố gắng thiết lập mối quan hệ không bị ràng buộc với Mỹ với mong muốn củng cố vị thế trong khu vực.

Năm 2003, Mỹ mở chiến dịch xâm lược Iraq với lý do chế độ của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein sở hữu và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sau 9 năm phát động chiến tranh ở nước này, ngày 18/12/2011, Mỹ chính thức tuyên bố quân rút khỏi Iraq.

Mặc dù đang cố gắng dốc sức để ổn định tình hình an ninh chính trị trong nước nhưng dường như đất nước Hồi giáo này vẫn còn đang trong vòng xoáy của những bất đồng về dân chủ, sắc tộc và tôn giáo. Sau 1 năm không còn sự hiện diện quân đội Mỹ ở Iraq, cuộc sống của người dân nước này hiện vẫn đang hàng ngày, hàng giờ bị đe dọa bởi những cuộc ném bom, bắn phá.

Iraq chưa bình yên

Khủng hoảng chính trị vẫn bao trùm lên đất nước Iraq ngay sau khi quân đội Mỹ rời khỏi nước này.  Iraq rơi vào cuộc “đấu đá nội bộ” khi Chính phủ đương nhiệm công bố lệnh bắt giữ đối với Phó Tổng thống Tariq al-Hashemi- quan chức cao cao theo dòng Hồi giáo Sunni.

Ông Tariq al-Hashemi bị cáo buộc là chủ mưu các vụ tấn công khủng bố nhằm vào các chính khách người Shiite và các quan chức an ninh. Tuy nhiên, ông Tariq al-Hashemi đã liên tục bác bỏ những cáo buộc của Chính phủ và cho rằng, những cáo buộc đó đều là vì động cơ chính trị.

Bên cạnh căng thẳng vì đấu đá trong nội bộ chính trường Iraq, căng thẳng sắc tộc, tôn giáo tại nước này vẫn không hề thuyên giảm. Nhóm sắc tộc Kurd chiếm đa số là người Arab ở Iraq trong tháng 11/2012 đã gửi quân bổ sung để củng cố vị trí của họ so với khu tự trị người Kurd ở vùng đất phía Bắc Iraq. Mặc dù cả hai bên đã đồng ý rút lực lượng của họ tại đây nhưng vẫn còn rất nhiều mâu thuẫn xung quanh khu vực tranh chấp cũng như chia sẻ nguồn tài nguyên dầu lửa.

Bảo đảm an ninh cũng được coi là thách thức lớn đối với Chính quyền Iraq khi mà người dân nước này vẫn hàng ngày chứng kiến nhiều vụ thảm sát, đánh bom liều chết.

Ngày 18/12, người dân Iraq kỷ niệm 1 năm Mỹ rút quân khỏi nước này. Trong khi nhiều người Iraq vui mừng khi thấy các binh lính Mỹ rút khỏi đất nước của họ sau 9 năm chiếm đóng thì một số người dân cảm thấy tiếc khi lính Mỹ rời khỏi nước họ. Lý do là bởi vì Iraq chưa thể tự một mình đảm bảo an ninh trong nước. Một số người dân cho rằng, người Mỹ rời Iraq như là một “sân chơi” cho các nước láng giềng tranh giành lợi ích nên Iraq vẫn xảy ra hỗn loạn và bạo lực.

Mỹ muốn kiếm chác nhiều lợi nhuận từ Iraq

Theo giới phân tích quốc tế, mặc dù Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Iraq nhưng vẫn can dự vào tình hình chính trị tại nước này. Đại sứ quán Mỹ ở Iraq là pháo đài lớn giống như thành phố Vatican được coi là sự cân nhắc của Mỹ có thể quay trở lại Iraq trong tương lai.

Chiến lược của Mỹ đối với Iraq trong tương lai là muốn thao túng Iraq, coi Iraq là thị trường quan trọng trong việc cung cấp vũ khí cũng như hợp tác kinh tế, chia sẻ nguồn lợi dầu lửa.

Trong năm 2011, một số quan chức cấp cao của Mỹ đã tới thăm Baghdad với mong muốn, Mỹ sẽ là nhà tiêu thụ vũ khí lớn nhất và đảm bảo huấn luyện cho quân đội Iraq trong những năm tới.

Với mong muốn cùng được chia sẻ và được lợi từ khai thác dầu khí, Mỹ đang cố gắng săn tìm và muốn được khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này của Iraq.

Ngoài việc muốn được sở hữu nguồn dầu lửa dồi dào từ Iraq, Mỹ đang tăng cường sự hiện diện về kinh tế tại nước này. Bằng chứng là các hãng ô tô Chevrolet Malibus và Dodge Chargers của Mỹ đang muốn chiếm thị phần lớn ở Baghdad. Trong những ngày trước, hãng hàng không của Iraq đã tiếp nhận chiếc máy bay Boeing của Mỹ đầu tiên sau 3 thấp kỷ và nước này đang chờ đón tiếp nhận hàng chục chiếc máy bay khác.

Lo sợ Iraq sẽ “trở mặt”

Trong những năm chiếm đóng Iraq, Mỹ đã tạo dựng được một Chính phủ thân cận với mình. Tuy nhiên, sau khi rút quân khỏi nước này, âm mưu muốn biến Chính phủ hiện tại của Iraq là một Chính phủ “tay sai” của Mỹ đang dần bị “phá sản”. Chiến lược của Mỹ đối với Iraq sau khi lật đổ cựu Tổng thống Saddam Hussein và 9 năm chiếm đóng nước này đang dần bị dập tắt.

 

Tổng thống Barack Obama bắt tay những người lính Mỹ vừa trở về từ Iraq

 

Tổng thống Barack Obama bắt tay những người lính Mỹ vừa trở về từ Iraq

Maria Fantappie, chuyên gia phân tích về tình hình Iraq của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế cho biết: “Kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Iraq, Chính quyền Baghdad đang xem xét lại mối quan hệ với Hoa Kỳ. Iraq đang cố gắng thiết lập mối quan hệ không bị ràng buộc với Mỹ. Iraq đang theo đuổi những chính sách riêng của mình và cố gắng tìm kiếm một vị thế trong khu vực”.

Bằng chứng cho thấy, Iraq muốn đi theo con đường riêng của mình, không muốn lệ thuộc vào Mỹ khi vào tháng 11/2012, Chính quyền nước này đã trả tự do cho một chỉ huy của lực lượng vũ trang Hezbollah tên là Ali Mussa Daqduq đã bị bắt giữ.

Mỹ coi Ali Mussa Daqduq là mối đe dọa lớn nhất trong khu vực và chho rằng, viên chỉ huy người Lebanon này đứng đằng sau vụ đột kích vào căn cứ quân sự Mỹ năm 2007 làm 5 binh lính thiệt mạng.

Trong khi đó, Iraq được coi là đang thúc đẩy mối quan hệ với Iran- nước bảo trợ hàng đầu cho lực lượng vũ trang Hezbollah ngay cả khi Mỹ và các đồng minh đang thực hiện việc cô lập Tehran vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Ngoài việc tăng cường quan hệ với Iran, hiện nay, Iraq đang bị nghi ngờ cho phép máy bay của Iran bay qua không phận của mình để vận chuyển vũ khí sang Syria. Một quan chức của Đại sứ quán Mỹ tại Iraq khẳng định, các chuyến bay chở vũ khí của Iran vẫn luôn được chuyển tới Syria.

Những bằng chứng trên là quá đủ để Mỹ trông chừng Iraq hơn. Tuy nhiên, sự đối đầu giữa hai nước còn phụ thuộc rất nhiều vào cách hành xử của Iraq đối với Mỹ cũng như với các nước khác.

Chỉ 1 năm sau khi Mỹ rút khỏi Iraq, thế giới đã bước đầu nhận thấy, nước này đang dần thay đổi mối quan hệ với Hoa Kỳ với mong muốn củng cố vị thế trong khu vực cũng như không muốn lệ thuộc vào nước khác. Tuy nhiên, liệu Iraq có thể thực hiện được những chiến lược của mình hay không còn phụ thuộc vào tình hình an ninh, chính trị trong nội bộ nước này./.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo