Thị trường

Israel chính thức công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam

(DNVN) - Việc công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam có hiệu lực tại Israel kể từ ngày 29/5/2016.

Ngày 8/6, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á cho biết, ngày 29/5 vừa qua, ông Ohad Cohen, Thứ trưởng phụ trách Ngoại thương Bộ Kinh tế Israel đã có thư gửi Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh-Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, thông báo về việc Israel chính thức công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Theo đó, việc công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam có hiệu lực tại Israel kể từ ngày 29/5/2016.

Ảnh minh họa.

Trước đó, tại Phiên đàm phán thứ nhất Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Israel được tổ chức từ ngày 28-30/3/2016 tại Hà Nội, hai bên đã thống nhất hoàn tất các thủ tục kỹ thuật cần thiết để phía Israel gửi thư công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. 

Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, việc phía Israel gửi thư chính thức công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam là động thái thể hiện thiện chí của Israel trong đàm phán FTA với Việt Nam và góp phần vào việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.

Điều này cũng cho thấy những thành tựu của Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua tiếp tục được các đối tác trên thế giới tích cực ghi nhận, đồng thời khẳng định sự đánh giá của Israel với Việt Nam là một quốc gia năng động và có nền kinh tế đang ngày càng phát triển.

Sau hơn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Israel đã trở thành những đối tác quan trọng của nhau. Trong lĩnh vực thương mại, Israel là một trong những đối tác lớn của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng nhanh chóng (tăng gấp 5 lần từ mức 375 triệu USD năm 2011 lên gần 1,7 tỷ USD năm 2015). 

Ngoài hợp tác trong lĩnh vực thương mại, hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác như đầu tư, tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ, lao động cũng có nhiều triển vọng.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo